คุณอยู่ที่: HomeKhoa học - Công nghệSeminar – Hội nghị, Hội thảo – Tập huấnSeminar “Trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học” giữa hai Chi đoàn CBGV khoa: Nông - Lâm & Sử - Địa

Seminar “Trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học” giữa hai Chi đoàn CBGV khoa: Nông - Lâm & Sử - Địa

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

“Nói đến đại học là nói đến nghiên cứu khoa học và nghiên cứu khoa học quyết định sự phát triển đúng nghĩa của một trường đại học”, xuất phát từ tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH), dựa trên thực trạng nghiên cứu khoa học và nguyện vọng của giảng viên trẻ hai khoa Nông - Lâm và Sử - Địa, ngày 14 tháng 11 năm 2013, được sự nhất trí của BGH Trường ĐH Tây Bắc, BCN hai khoa Nông - Lâm, Sử - Địa, Chi đoàn CBGV hai khoa đã tổ chức buổi Seminar Trao đổi kinh nghiệm NCKH tại Phòng Hội thảo 3, Trung tâm Thông tin Thư viện, Trường ĐH Tây Bắc.

 

Tham dự buổi Seminar, có sự hiện diện của các lãnh đạo các phòng ban chức năng: Th.s Cao Đình Sơn – Phó  phòng đào tạo đại học, Th.s Hoàng Văn Thảnh – Phó phòng QLKH $ HTQT, Th.s Bùi Mạnh Thắng – Phó phòng HCTH; về phía BCN Khoa, có Ts. Vũ Quang Giảng – Trưởng khoa Nông – Lâm, Ts. Phạm Văn Lực – Trưởng khoa Sử - Địa, Ts. Đỗ Thúy Mùi – Phó khoa Sử - Địa… Đặc biệt, buổi Seminar còn thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ giảng viên trẻ, các bạn sinh viên khoa Nông – Lâm, khoa Sử - Địa và các Chi đoàn bạn.

Báo cáo đề dẫn của Chi đoàn CBGV khoa Sử - Địa đã nêu rõ mục đích tổ chức buổi Seminar nhằm: trao đổi kinh nghiệm giữa các Giảng viên – những người giàu kinh nghiệm trong nghiên cứu và thực hiện đề tài các cấp với các giảng viên (GV) trẻ, chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới giữa các giảng viên, nói lên những nguyện vọng, khó khăn của GV trẻ trong NCKH. Trên tinh thần cầu thị khoa học, các GV trẻ mong muốn sự trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa các thành viên tham dự.

Tại buổi Seminar, đại biểu và các GV trẻ đã được lắng nghe hai bản tham luận của đại diện hai Chi đoàn CBGV. Đồng chí Đặng Văn Công đã trình bày bản tham luận về “Hoạt động NCKH và HTQT của khoa Nông Lâm”, trong đó có thống kê sơ bộ các công trình nghiên cứu, các thành tựu mà khoa Nông Lâm đạt được từ trước cho đến năm 2012, từ đó, bản tham luận rút ra những thế mạnh và hạn chế của GV khoa Nông Lâm và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động NCKH. Đồng chí Phạm Anh Tuân, GV khoa Sử - Địa cũng đề ra nhiều ý tưởng trong bản tham luận “Giải pháp thúc đẩy NCKH của GV trẻ khoa Sử - Địa”. Trong đó, một vấn đề đặt ra là số lượng GV trẻ thực hiện đề tài nghiên cứu cấp trường thấp hơn số lượng đề tài cấp tỉnh, cấp bộ. Từ thực trạng trên, bản tham luận đã chỉ ra những nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp trong đó có việc kiến nghị các phòng ban, các khoa tạo điều kiện cho GV trẻ thực hiện đề tài cấp trường, cấp khoa để các GV trẻ tập dượt nghiên cứu từ cấp cơ sở.

Hai bản tham luận đã nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của những người tham dự và thu hút sự quan tâm của nhiều GV trẻ, nhiều câu hỏi xoay quanh hai bản tham luận đã được đặt ra, tạo nên một không khí trao đổi sôi nổi. Qua đó, một số vấn đề được làm rõ như: những thuận lợi và khó khăn của GV khi NCKH, những thế mạnh và hạn chế của GV trẻ, trong đó, nổi bật các vấn đề đó là sự chủ động trong nghiên cứu, các quy định về thủ tục thực hiện đề tài và rào cản ngoại ngữ - những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động NCKH.

Trong phần tọa đàm, Ban Tổ chức đã tập hợp được rất nhiều câu hỏi tập trung vào 4 vấn đề lớn: thứ nhất đó là sự liên kết trong nghiên cứu giữa các nghành đào tạo của hai khoa, đặc biệt mối quan hệ giữa ngành Địa lý và Nông học, Lâm nghiệp, Lịch sử và Nông, Lâm nghiệp. Thứ hai, trao đổi về cách tiếp cận và triển khai các dự án nghiên cứu, thứ ba là vấn đề nghiên cứu sinh và cuối cùng là những vấn đề liên quan đến cách viết và đăng bài trên các tạp chí khoa học.

Phần tọa đàm đã diễn ra một cách sôi nổi trên tinh thần trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa các đại biểu tham dự với các GV trẻ. Rất nhiều kinh nghiệm, định hướng nghiên cứu, những giải pháp cụ thể đã được các đồng chí GV giàu kinh nghiệm nghiên cứu chia sẻ. Trong đó, Ts. Phạm Văn Lực, Ts. Đỗ Thúy Mùi,… đã chỉ ra mối quan hệ liên ngành giữa các ngành đào tạo của hai khoa như: Nghiên cứu luật tục, văn hóa các dân tộc để phát triển bền vững khu vực Tây Bắc; Ứng dụng nghiên cứu địa lý để quy hoạch vùng sản xuất nông lâm nghiệp, quy hoạch đất nông, lâm nghiệp, quản lý xói mòn đất, nghiên cứu tác động của hồ Thủy điện Sơn La đến sinh thái của khu vực và đến phát triển cây trồng, vật nuôi…; Ths. Cao Đình Sơn, Ts. Đỗ Thúy Mùi đã chia sẻ việc tìm cái mới trong thực tiễn để đề xuất hướng nghiên cứu, cần bám sát định hướng của địa phương để từ đó có định hướng nghiên cứu đúng đắn, trong đó ý tưởng là điều quan trọng hơn cả. Ts. Vũ Quang Giảng đưa ra những dẫn chứng về tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ cũng như sự say mê, kiên trì trong nghiên cứu, trong tìm kiếm cơ hội từ các dự án, lý giải vì sao khoa Nông – Lâm trở thành đối tác trực tiếp của dự án JICA trong chương trình “Nâng cao năng lực trường ĐH Tây Bắc gắn liền phát triển nông thôn bền vững khu vực Tây Bắc”. Ths. Hoàng Văn Thảnh – người có điều kiện tiếp cận với các bài viết của GV trẻ đăng trên tạp chí khoa học của trường cũng đưa ra một số đánh giá về thực trạng và năng lực nghiên cứu của GV trẻ, từ đó đưa ra lời khuyên mỗi cá nhân cần có chiến lược nghiên cứu của cá nhân, kết hợp nghiên cứu theo nhóm: GV giàu kinh nghiệm, GV trẻ và sinh viên, nghiên cứu chuyên sâu một vấn đề, tránh dàn trải. Đáng chú ý có phần trao đổi kinh nghiệm thành công trong nghiên cứu và tham dự các cuộc thi mang tầm quốc tế, đại diện GV trẻ có đồng chí Vũ Thị Đức, GV khoa Nông – Lâm – người tham dự và nhận được giải thưởng cao trong cuộc thi “Sáng kiến phòng chống tham nhũng” và dự án VACI của Ngân hàng thế giới tổ chức, đã nhấn mạnh: điều quan trọng nhất là tư duy sáng tạo trong cách giải quyết vấn đề và cần có tác phong làm việc, trao đổi thông tin chuyên nghiệp.

Đặc biệt, buổi Seminar còn nhận được sự quan tâm của đại diện BGH Nhà trường, dù TS. Đoàn Đức Lân – Phó Hiệu trưởng Nhà trường đi công tác đột xuất không tham dự trực tiếp nhưng rất nhiều vấn đề của GV trẻ quan tâm đã được trao đổi cụ thể qua mail, điện thoại. Trong đó, có các vấn đề đáng chú ý như: Động lực thu hút các dự án, các chương trình tài trợ cho hoạt động NCKH, kĩ năng sử dụng ngoại ngữ để tìm kiếm cơ hội trong NCKH, yếu tố giúp khoa Nông Lâm thành công trong hoạt động NCKH. Từ đó, TS. Đoàn Đức Lân nhấn mạnh, bên cạnh việc nâng cao năng lực chuyên môn gắn liền với hoạt động NCKH, GV trẻ cần chủ động hơn trong nghiên cứu và nâng cao năng lực ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu đào tạo trong thời đại hội nhập.

Kết thúc buổi Seminar, Ban Tổ chức đã tổng kết những nội dung chính, thông qua đó, những GV trẻ thấy được điểm mạnh và hạn chế của mình trong hoạt động NCKH, đặc biệt là hạn chế về sự chủ động trong nghiên cứu và năng lực ngoại ngữ. Thay mặt cho các GV trẻ, BTC cũng nêu lên những nguyện vọng được Lãnh đạo nhà trường, các phòng ban chức năng và lãnh đạo hai khoa quan tâm hơn nữa và tạo mọi điều kiện cho các GV trẻ có được cơ hội tiếp cận với đề tài các cấp, đồng thời có cơ hội cải thiện trình độ ngoại ngữ của mình để có thể xin học bổng nước ngoài.

Buổi Seminar đã tạo dấu ấn tốt đẹp cho những người tham dự, hứa hẹn sự hợp tác trong nghiên cứu giữa hai khoa cũng như sự hỗ trợ trong hoạt động NCKH về lâu dài, mở ra nhiều hướng liên kết mới giữa các ngành đào tạo giữa các khoa và các đơn vị trong toàn trường.