Bạn đang ở: HomeKhoa học - Công nghệThông báo – Tin tức – Sự kiệnTHỜI GIAN GIAN SỰ KIỆN TRONG TẬP THƠ VẦNG TRĂNG QUẦNG LỬA CỦA PHẠM TIẾN DUẬT

THỜI GIAN GIAN SỰ KIỆN TRONG TẬP THƠ VẦNG TRĂNG QUẦNG LỬA CỦA PHẠM TIẾN DUẬT

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

1. Thời gian nghệ thuật và thời gian sự kiện

          Thời gian nghệ thuật là một khái niệm rất mới của khoa nghiên cứu văn học được coi là một trong những thành tựu nổi bật nhất của khoa nghiên cứu văn học hiện đại. Trước thế kỉ XX nó hầu như chưa được ý thức.

Tác giả Trần Đình Sử định nghĩa: “Thời gian nghệ thuật là phạm trù của hình thức nghệ thuật, thể hiện phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Nếu thế giới thực tại chỉ tồn tại trong không gian và thời gian thì cũng như thế  thời gian nghệ thuật chỉ tồn tại trong thế giới nghệ thuật” [2;62]

          Thời gian sự kiện là thời gian diễn ra những biến đổi, sự cố trong cuộc sống con người, là chuỗi liên tục các sự kiện trong quan hệ liên tục trước sau, nhân quả. Có người gọi đây là thời gian “lịch sử”, thời gian cốt truyện. Thời gian sự kiện có thể được tính theo độ dài thời gian mà nó diễn ra. Chẳng hạn, thời gian sự kiện trong Truyện Kiều diễn ra trong mười lăm năm, trong Tam Quốc Diễn Nghĩa diễn ra trong mười một năm. Trong thơ trữ tình kiểu thời gian này không xuất hiện nhiều bởi nguyên tắc phản ánh của thể loại trữ tình là nguyên tắc chủ quan, hướng về cảm xúc, tâm trạng chứ không phải là nguyên tắc khách quan như thể loại tự sự. Nhưng trong tập thơ Vầng trăng quầng lửa, yếu tố thời gian sự kiện đã được tác giả triển khai khá nhất quán và tạo nên đặc sắc riêng cho tập thơ.

2. Thời gian sự kiện trong tập thơ Vầng trăng quầng lửa

Phạm Tiến Duật (1941- 2007), quê gốc ở thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Sau này ông chuyển lên sống ở Hà Nội. Ngày 04 tháng 8 năm 1964, chàng sinh viên Phạm Tiến Duật đã từ biệt giảng đường Văn khoa để nhập vào đoàn quân điệp điệp, trùng trùng, vượt dải Trường Sơn với khí thế hào hùng:

           Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

                                        Mà lòng phơi phới dậy tương lai

                                                                   (Tố Hữu)

Phạm Tiến Duật sống và viết văn trên đường mòn Hồ Chí Minh. Có thể nói, chính Trường Sơn đã tạo nên thơ Phạm Tiến Duật và ngược lại Phạm Tiến Duật cũng là người viết về Trường Sơn hay nhất, đặc sắc nhất, làm sống dậy cái hồn của Trường Sơn.

Tập thơ Vầng trăng quầng lửa được nhà xuất băn Văn học xuất bản tháng 05 năm 1970. Tâp thơ gồm có 33 bài được sáng tác từ năm 1963 -1969. Tập thơ đã phản ánh hiện thực khốc liệt trong chiến tranh nhưng vượt lên hiện thực khắc nghiệt đó là chân dung của những con người sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Nói cho đúng thì đấy cũng là đặc điểm chung của văn học một thời nhưng nó được Phạm Tiến Duật thể hiện qua giọng điệu tinh nghịch, dí dỏm, trẻ trung đậm chất lính. Giọng điệu của những anh lính, của những cô thanh niên xung phong - những nhân vật trữ tình trung tâm trong thế giới thơ Phạm Tiến Duật.

Khảo sát toàn tập thơ chúng tôi nhận thấy có nhiều bài thơ biểu hiện kiểu thời gian sự kiện. Thời gian mà nhà thơ nói tới ở đây là tất cả những gì đang và đã diễn ra trên chiến trường miền Nam. Những sự kiện này không kéo dài hàng năm mà chỉ diễn ra rất nhanh, có sự kiện chỉ diễn ra trong thời gian một ngày, có khi là ba phút. Thời gian diễn ra ít nhưng tác giả đã nói lên được hết tầm quan trọng của nó. Những gì ông nói tới là tất cả những gì ông được chứng kiến và từng trải qua: sự kiện hoàn thành bộ thông sử đầu tiên (Công việc hôm nay), sự kiện trận bom Mĩ giội xuống liên tục trong một ngày (Tiếng cười của đồng chí coi kho), hay sự kiện một cuộc họp chi bộ ra quyết định mở đường cho xe chạy (Ngọn đèn chi bộ), thời gian của những lần hành quân, chuyển quân (Chuyện lạ gặp trên đường hành quân) cả cuộc gặp gỡ ngắn ngủi mà chan chứa tình cảm của những người đồng chí (Ta bay)...

Sự kiện hoàn thành bộ thông sử đầu tiên đánh dấu một mốc quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Bộ thông sử hoàn thành đã ghi được lại đầy đủ những gì đang diễn ra ở hậu phương cũng như tiền tuyến. Những người lính làm việc của hôm nay đã trải qua những ngày khó khăn, vất vả để hoàn thành bộ thông sử:                 

Bộ thông sử hoàn thành

                             Trang cuối cùng viết trong hầm trú ẩn

                             Chồng bản thảo rời khu sơ tán

                                                (Công việc hôm nay)

 Một sự kiện không thể không nói tới trong bất kì một cuộc chiến tranh nào đó là sự đánh bom của kẻ thù, gieo tội ác cho dân tộc ta. Thời gian chỉ có một ngày mà mười bảy trận bom giội xuống. Không chỉ đối mặt với hiểm nguy, thiếu thốn, chiến tranh còn làm phai tàn tuổi thanh xuân của con người.

                             Tiếc năm ngoái anh không tới đây

Mười bảy trận bom Mĩ dội một ngày

... Tiếc anh không về từ trước tháng ba

Nước trong khe cũng còn dư dật

... Mười năm sống xa phố xa làng

Tám năm ở trong núi trong hang...

                             (Tiếng cười của đồng chí coi kho)

... Hai phút trên đầu một lượt máy bay

Lá ngụy trang như còn bốc khói

                             (Nghe hò đêm bốc vác)

          Giữa chiến trường, bên ngọn lửa đèn các đồng chí đã họp và đưa ra quyết định quan trọng: mở đường cho xe chạy. Đây là quyết định có ý nghĩa sống còn đối với cuộc kháng chiến của dân tộc. Đường Trường Sơn – con đường huyết mạch của đất nước cho nên mọi quyết định đều có một ý nghĩa rất lớn:

                             Chi bộ họp trong đêm, bom Mĩ giội trên đầu

                             Hơi bom lung lay ngọn đèn dầu

                             Quyết định mở đường ba phút trước

                             Ầm ầm xe chạy một giờ sau

                                                (Ngọn đèn chi bộ)

 Thời gian diễn ra rất nhanh chóng: ba phút và một giờ sau tuyến đường đã được thông cho xe chạy. Những cuộc hành quân trên đường có biết bao câu chuyện vui, điều mới lạ. Đó là những cuộc gặp gỡ trên đường hành quân của những người bạn cũ hay chỉ là một lần vô tinh bỏ quên cái bi đông mà làm cho người con gái ngẩn ngơ suy nghĩ:

                                       Buổi sáng gặp anh

                                       Nghỉ trên võng bạt

                             …Buổi trưa vắng anh

                                       Nhìn lên vòm xanh

                                       …Chiều lại gặp anh

                                                          (Ta bay)

                                       Sáng nay ăn cơm bên lèn đá

                                       Bắt được cái bi đông. Của ai? Lạ quá

                                       Em gái ngồi nghĩ mãi không ra.

                                                          (Chuyện lạ gặp trên đường hành quân)

Có thể thấy, sự kiện diễn ra ở mỗi thời điểm, thời gian khác nhau nhưng quy lại đều là những gì xảy ra ở chiến trường với chồng chất những gian khổ hi sinh và mất mát đau thương. Nhưng vẻ đẹp của con người Việt Nam vẫn luôn tỏa sáng với tinh thần quả cảm, nghị lực sống phi thường và niềm lạc quan tin tưởng vào ngày mai tất thắng.  

3. Kết luận

Thời gian nghệ thuật là một phạm trù quan trọng của thi pháp học, là phương tiện thể hiện và chiếm lĩnh đời sống, là mô hình nghệ thuật về đời sống được phản ánh trong tác phẩm văn học. Dưới góc độ thi pháp học, thời gian sự kiện trong Vầng trăng quầng lửalà hình tượng nghệ thuật đặc sắc. Qua dòng thời gian sự kiện, tác giả đã phản ánh chân thực cuộc sống, chiến đấu gian khổ mà anh dũng của nhân dân ta, đặc biệt là của người lính Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật là nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc, cũng là một người lính từng lăn lộn nhiều trong chiến trường ác liệt nên ông thấu hiểu những khó khăn gian khổ của người lính đã phải trải qua. Sáng tác của ông không cầu kì về mặt ngôn ngữ, ngôn từ trong thơ rất giản dị, gần gũi với cuộc sống con người. Giọng điệu thơ vui tươi, hóm hỉnh và tinh nghịch... Tập thơ Vầng trăng quầng lửa tiêu biểu cho sáng tác thơ trẻ thời kì chống Mĩ và tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Phạm Tiến Duật.

                                       TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Tiến Duật (1970), Vấng trăng quầng lửa, Nhà xuất bản văn học, Hà Nội.

         2. Trần Đình Sử (1993), Một số vấn đề thi pháp học hiện đại, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ giáo viên, Hà Nội.