Bạn đang ở: HomeGiới thiệuGroup1Giới thiệu chungLịch sử phát triểnLịch sử Trường Đại học Tây Bắc (Phần 1)

Lịch sử Trường Đại học Tây Bắc (Phần 1)

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

1.1. Vài nét khái quát về Tây Bắc trước 1954

1.1.1. Vị trí địa lí

Tây Bắc là cách gọi theo phương vị, chỉ vùng đất nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc lấy Thủ đô Hà Nội làm chuẩn.

Cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về địa giới của khu Tây Bắc, nhưng theo chúng tôi, Tây Bắc chủ yếu bao gồm các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, một phần của Hoà Bình với diện tích hơn 46.000 km2, có 23 dân tộc anh em sinh sống: Thái, Mông, Lự, Hoa, Kinh, Mường, Tày, Nùng, Dao, Lào, La Ha, Xinh Mun, Khơ Mú, Kháng, Mảng, La Hủ…

Phía Bắc của khu tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), có đường biên giới dài 513 km; phía Tây tiếp giáp với hai tỉnh Hủa Phăn và Phong Sa Lỳ của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào với đường biên giới dài 552 km; phía Đông, Đông Nam và Nam tiếp giáp các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thanh Hoá, Hoà Bình.

1.1.2. Điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế, xã hội

Tây Bắc có địa hình phức tạp, bị cắt xẻ bởi những dãy núi đá vôi trong dãy Hoàng Liên Sơn chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và vòng cung Sông Mã chạy từ Đông sang Tây, tạo thành những đỉnh núi cao như Xà Phình (2.879 m), Pú Luông (2.985 m), Tả Giàng Phình (3.096 m), đặc biệt là đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143 m so với mực nước biển.

Tây Bắc có hai con sông lớn. Sông Mã bắt nguồn từ vùng núi cao của huyện Tuần Giáo (Điện Biên) chảy qua địa phận huyện Sông Mã, vòng qua Lào vào Thanh Hoá ra biển. Sông Đà bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) chảy vào Mường Lái (Lai Châu) qua Điện Biên, đến Sơn La hợp với suối Nậm Na ở phía Bắc và Nậm Mức ở phía Tây Nam, chảy qua địa phận tỉnh Hoà Bình hội nhập với sông Hồng. Ngoài ra, Tây Bắc còn có hàng nghìn sông, suối, ao, hồ lớn nhỏ.

Sự đan xen của những dãy núi đá với núi đất, cùng sự quanh co của các sông, suối lớn nhỏ đã tạo nên những phiêng bãi đất đai màu mỡ, phì nhiêu, nổi tiếng nhất là 4 cánh đồng, như câu ca của đồng bào Thái: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”.

Trong lịch sử, đặc trưng kinh tế, xã hội của Tây Bắc là kinh tế nông nghiệp. Cuộc sống của cư dân chủ yếu dựa vào hai ngành sản xuất chính: trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài ra, cư dân Tây Bắc còn dựa vào khai thác lâm sản, săn bắn, hái lượm trong rừng, đánh bắt cá ở ven các sông, suối…, đúng như câu ca của người Thái:

“Cơm nước ở mặt đất

Thức ăn ở trong rừng”

Trong từng khu vực, do tác động của điều kiện tự nhiên, sự phong phú của cây trồng, vật nuôi và kinh nghiệm sản xuất lâu đời của cư dân, nên mỗi dân tộc ở Tây Bắc đều có thế mạnh riêng của mình trong việc phát triển kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp trên những địa bàn khác nhau. Điều này đã được khẳng định trong câu ngạn ngữ Thái:

“Xá ăn theo lửa

Thái ăn theo nước

 Mông ăn theo sương mù”

Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và đặc điểm kinh tế, xã hội đó đã tạo cho Tây Bắc có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng. Trong lịch sử, Tây Bắc được coi là vùng đất “Tam Mãnh” qua Lào vào Vân Nam và Hưng Hoá. Hiện nay, Tây Bắc có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quân sự và trong quan hệ giao lưu quốc tế.

1.1.3. Truyền thống lịch sử và văn hoá

Tây Bắc là mảnh đất có bề dày lịch sử và văn hoá. Những công cụ sản xuất thuộc thời kỳ đá mới tìm thấy ở Tuần Giáo (Điện Biên), Thuận Châu (Sơn La), cùng nhiều hiện vật bằng đồng như trống đồng, thạp đồng tìm thấy ở Sông Mã, Thuận Châu, Mai Sơn (Sơn La), Mường Tè (Lai Châu)… chứng tỏ Tây Bắc là địa bàn sinh sống lâu đời của cư dân Việt cổ và nằm trong phạm vi nền văn hoá Đông Sơn phát triển rực rỡ của đất nước ta.

Với bề dày truyền thống văn hoá, các dân tộc Tây Bắc đã sáng tạo ra nền văn hoá, văn nghệ dân gian đa dạng phong phú đậm đà sắc thái bản địa, với truyện thơ nổi tiếng “Xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu), sử thi “Táy pú xấc” (Bước đường chinh chiến của cha ông) cùng các lễ tết như lễ mừng thọ, mừng nhà mới, cơm mới... và nhiều phong tục, tập quán khác. Đặc biệt, việc sáng tạo ra chữ Thái cổ của dân tộc Thái là một kiệt tác đóng góp vào nền văn hoá, văn minh Đại Việt.

Cùng với bề dày truyền thống văn hoá, Tây Bắc còn là mảnh đất lịch sử. Các dân tộc Tây Bắc giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, lao động xây dựng đất nước.

Nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã tích cực tham gia cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh (thế kỷ XV), ủng hộ cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất (thế kỷ XVIII), kiên trì bền bỉ chống giặc “Cờ Vàng” (tàn quân của Thái Bình Thiên Quốc) giữ vững vùng biên ải được coi là “phên”, là “dậu” ở phía Tây Bắc của Tổ quốc. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp (cuối thế kỷ XIX), các dân tộc Tây Bắc đã anh dũng kiên cường đứng trong hàng ngũ của đội quân “Thập Châu” dưới sự chỉ đạo của Tuần phủ Hưng Hoá Nguyễn Quang Bích, phối hợp với quân “Cờ Đen” của Lưu Vĩnh Phúc kéo về vây giặc ở Hà Nội, đưa đến những chiến thắng Cầu Giấy oanh liệt, lần thứ nhất vào năm 1873, lần thứ hai vào năm 1882.

Từ 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã góp phần to lớn làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, tích cực cùng nhân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) đi đến thắng lợi.

1.2. Tình hình Tây Bắc sau hoà bình lập lại (1954) và sự thành lập Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo

1.2.1. Tình hình Tây Bắc sau hoà bình lập lại

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), toàn bộ Tây Bắc được giải phóng. Đó là điều kiện thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở Tây Bắc trong giai đoạn mới.

Do hậu quả sự thống trị, bóc lột tàn bạo của đế quốc phong kiến và sự tàn phá của chiến tranh, nên sau hoà bình lập lại, Tây Bắc chìm ngập trong cảnh nghèo nàn, lạc hậu, hoang tàn và đổ nát. Đời sống của đồng bào các dân tộc đói, rách. Tàn dư của chế độ cũ cùng các hủ tục lạc hậu còn ảnh hưởng nặng nề trong đời sống của nhân dân.

Do có vị trí chiến lược quan trọng, sau hoà bình lập lại, các toán thổ phỉ, biệt kích thám báo cùng các phần tử tay sai phản động điên cuồng chống phá cơ quan Đảng, chính quyền ở Tây Bắc. Nhiều vụ “xưng Vua”, “đón Vua” đã diễn ra lộn xộn ở vùng biên giới.

Trong khi đó, chính quyền cơ sở còn rất non yếu, nhận thức của đồng bào các dân tộc thấp kém, thiếu cán bộ cốt cán, nhất là cán bộ người dân tộc ở cơ sở. Năm 1955, toàn Khu có 16 châu (huyện) thì 9 châu vẫn chưa thành lập được chi bộ Đảng. Trong tổng số 316 xã, chỉ có 39 xã thành lập được chi bộ Đảng cơ sở (chiếm gần 8%); số lượng đảng viên chỉ chiếm 0,08% dân số. Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc chưa được hình thành. Cá biệt, ở một số địa phương vùng biên giới, chính quyền cơ sở non yếu đến mức không có khả năng tổ chức và lãnh đạo nhân dân các dân tộc phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống, ổn định xã hội.

Trước những khó khăn, phức tạp trên, Đảng, Chính phủ đã kịp thời có chủ trương đúng đắn, thực hiện “Cứu đói”, “Cứu rách”, tiễu trừ thổ phỉ và kiên quyết tiêu diệt các toán biệt kích thám báo, củng cố chính quyền cơ sở, giữ vững an ninh chính trị; mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giác ngộ để nâng cao nhận thức trong đồng bào.

Ngày 29/9/1954, Trung ương Đảng ra Nghị quyết về việc thành lập Khu Tự trị Thái - Mèo và vận động đồng bào các dân tộc thực hiện. Ngày 29/4/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 230/SL thành lập Khu Tự trị Thái - Mèo. Đến ngày 7/5/1955, Hội đồng Nhân dân Khu họp kỳ đầu tiên, công bố Sắc lệnh thành lập Khu Tự trị Thái - Mèo. Mục đích của việc thành lập Khu Tự trị đã được Hồ Chủ tịch khẳng định:

“Mục đích lập Khu Tự trị Thái - Mèo là làm cho các dân tộc anh em dần dần tự quản lý lấy mọi công việc của mình, mau chóng phát triển kinh tế và văn hoá của mình để thực hiện các dân tộc bình đẳng về mọi mặt…Nó sẽ luôn được sự giáo dục và lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và sự giúp đỡ của các dân tộc anh em khác”.

Khu Tự trị Thái - Mèo bao gồm: hai tỉnh Sơn La, Lai Châu (cũ), hai huyện Văn Chấn, Than Uyên của tỉnh Yên Bái và huyện Phong Thổ của tỉnh Lào Cai. Khu Tự trị là một bộ phận khăng khít trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, một đơn vị hành chính của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (từ 1962, Khu Tự trị Thái - Mèo đổi tên gọi là Khu Tự trị Tây Bắc). Thời kỳ 1955 - 1962, Khu Tự trị không có cấp tỉnh, chỉ có cấp châu trực thuộc Khu. Từ 1963, các tỉnh được tái lập, đơn vị hành chính của Khu lúc này gồm có: khu, tỉnh, châu, xã. Về tổ chức Đảng, Trung ương quyết định chuyển Đảng bộ Khu Tây Bắc thành Đảng bộ Khu Tự trị Thái - Mèo. Các cơ quan của Khu đóng ở thị trấn Thuận Châu (Sơn La) - Thủ phủ của Khu Tự trị Thái - Mèo.

Từ 1954 đến 1960, sự nghiệp phát triển văn hoá, giáo dục của Tây Bắc đã đạt được những thành tựu quan trọng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu của thời kì mới.

Nguyên nhân của những hạn chế đó là do nhận thức của đồng bào các dân tộc còn thấp; thiếu cán bộ cốt cán, nhất là cán bộ người dân tộc ở cơ sở; lực lượng giáo viên miền xuôi lên tăng cường cho Tây Bắc vừa ít về số lượng, lại khác biệt về phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc, bất đồng về ngôn ngữ.... Trong khi đó, Trường Sư phạm Miền núi Trung ương đặt ở Thủ đô Hà Nội, gây không ít khó khăn cho công tác đào tạo giáo viên tại chỗ.

Trong bối cảnh lịch sử đó, vấn đề bức thiết đặt ra lúc này là phải thành lập một trường sư phạm trên địa bàn Tây Bắc để làm nhiệm vụ đào tạo đội ngũ giáo viên tại chỗ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương.

1.2.2. Sự thành lập Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên tại chỗ, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội ở Tây Bắc trong thời kỳ mới, ngày 30/06/1960, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Nguyễn Văn Huyên đã kí Quyết định số 267/QĐ về việc thành lập Trường Sư phạm cấp II liên tỉnh, trong đó có Trường Sư phạm cấp II đặt tại Khu Tự trị Thái - Mèo. Quyết định của Bộ Giáo dục đã nêu rõ:

“Điều 1. Nay thành lập các trường Sư phạm cấp II liên tỉnh với nhiệm vụ đào tạo giáo viên cấp II về khoa học xã hội và khoa học tự nhiên để cung cấp cho nhu cầu phát triển nền giáo dục phổ thông trong toàn miền Bắc…Trường Sư phạm cấp II đặt ở Khu tự trị Thái - Mèo có nhiệm vụ thu nhận giáo sinh ở trong Khu tự trị…

Điều 2. Trường đặt tại địa phương nào thì do UBHC tỉnh, khu đó giúp Bộ quản lý về mọi mặt: trường sở, cán bộ, học sinh và chuyên môn. Riêng việc xây dựng chỉ tiêu kế hoạch đào tạo và kế hoạch phân phối sau khi giáo sinh sau khi tốt nghiệp thì do Bộ phụ trách. Chi phí các trường đều do ngân sách của Bộ Giáo dục đài thọ.

Điều 3. Mỗi trường Sư phạm cấp II có một ban giám hiệu (một Hiệu trưởng và một Hiệu phó) phụ trách và ba bộ phận giúp việc: Giáo vụ - Tổ chức - Hành chính Quản trị...”.

Ngày 07/07/1960, Bộ Giáo dục tiếp tục ra Quyết định bổ sung số 272/QĐ về cơ chế quản lí Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo, cụ thể như sau:

“Điều 1. Nay thêm vào Điều 2 quyết định số 267/QĐ ngày 30/06/1960 thành lập các trường Sư phạm cấp II như sau:

Trường Sư phạm cấp II đặt tại Khu Tự trị Thái - Mèo do ngân sách của Khu Tự trị đài thọ và do Khu quản lí mọi mặt…”

Thực hiện Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, khoảng giữa tháng 10 năm 1960, Lễ công bố Quyết định thành lập Trường Sư phạm cấp II đặt ở Khu Tự trị Thái - Mèo (thường gọi là Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo) được tổ chức tại sân vận động Khu Học xá Mường La với sự tham dự của đông đảo giáo viên, cán bộ Khu Học xá, nhân dân địa phương và đại biểu của Khu uỷ, Uỷ ban Hành chính Khu Tự trị Thái - Mèo.

Sự ra đời của Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo là sự kiện lịch sử trọng đại đối với sự nghiệp phát triển văn hoá, giáo dục ở Tây Bắc. Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo được thành lập không chỉ đáp ứng được yêu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên tại chỗ cho các tỉnh Tây Bắc, đặc biệt là đội ngũ giáo viên dân tộc ít người ở địa phương, mà còn đặt nền móng cho một trường đại học đa ngành ở Tây Bắc về sau này.

1.3. Sự phát triển của Nhà trường thời kỳ 1960 - 1980

1.3.1. Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo những năm đầu mới thành lập và sự phát triển của Trường giai đoạn 1960 - 1965

Những năm đầu mới thành lập, tình hình Nhà trường khó khăn thiếu thốn về mọi mặt.

Khi công bố Quyết định thành lập, Trường chưa có giáo sinh và Hiệu trưởng. Cơ sở vật chất của Trường hầu như chưa có gì, mọi sinh hoạt của giáo viên và giáo sinh chung với Khu Học xá Mường La(*). Đội ngũ giáo viên, cán bộ của Trường khi đó còn rất ít. Đầu tiên chỉ có 8 thầy tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được Bộ Giáo dục cử lên công tác tại Trường, đó là các thầy: Đỗ Mộng Bảo, Trần Kiều (giáo viên Toán); Hoàng Thiện Hùng, Lê Kỳ Huân (giáo viên Văn), Vũ Tự Hùng (giáo viên Hoá học), Trịnh Đình Toán (giáo viên Sinh), Chu Văn Phùng (giáo viên Lịch sử), Trần Phương Thịnh (giáo viên Địa lí).

Hai tháng sau, Bộ Giáo dục tăng cường thêm cho Trường thầy Đặng Thọ Nhân (giáo viên Vật lí). Trong thời gian này, Khu Học xá Mường La cử thầy Vũ Lưỡng sang Trường dạy thể dục.

Hai thầy Lê An (giáo viên cấp II ở Văn Chấn - Yên Bái) và Cao Thiệp (cán bộ miền Nam tập kết) được Khu cử đi học ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau khi tốt nghiệp, thầy Lê An về Trường dạy Tâm lí Giáo dục, thầy Cao Thiệp về dạy Chính trị.

............................

(*) Khu Học xá đóng tại bản Hìn châu Mường La nên thường gọi là Khu Học xá Mường La (nay là khu Nhà nghỉ Công đoàn thuộc phường Chiềng Lề, Thành phố Sơn La). Khu Học xá có: Trường Sơ cấp Sư phạm, Trường Trần Đăng Ninh hay còn gọi là Trường Thiếu nhi các dân tộc, Trường Bổ túc Thanh niên các dân tộc, Trường Phổ thông Lao động. Từ năm 1960 thêm Trường Sư phạm cấp II.

Như vậy, trong những ngày đầu thành lập, toàn Trường chỉ có 12 giáo viên, hầu hết tuổi đời còn rất trẻ. Đó chính là đội ngũ đầu tiên của Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo. Người được giao phụ trách Trường lúc đó là thầy Đỗ Mộng Bảo.

Trên cơ sở đội ngũ giáo viên hiện có (12 người) của Trường, cuối năm 1960, Nhà trường thành lập hai tổ chuyên môn: Tổ Tự nhiên có 7 người do thầy Trần Kiều làm Tổ trưởng, Tổ Xã hội có 5 người do thầy Lê Kỳ Huân làm Tổ trưởng. Các giáo viên Nhạc, Hoạ, Thể dục và giáo viên những môn khác sau khi được bổ sung sinh hoạt ghép với hai tổ.

Ngoài 12 thầy kể trên, thời điểm này còn có hai giáo viên của Khu Học xá Mường La là thầy Vũ Gia Thuỵ (giáo viên Nhạc) và thầy Thọ (giáo viên Hoạ), sang dạy Nhạc và Hoạ cho Trường.

Để khai giảng được khóa học đầu tiên, hầu hết giáo viên của Trường phải về tận các bản, làng để chiêu sinh. Số giáo sinh này kết hợp cùng với những giáo viên cấp 1 và những người đã học sơ cấp ở Trường Sư phạm Miền núi Trung ương (Hà Nội) được Khu cử vào Trường học trung cấp, hệ 7+2. Năm học đầu tiên (1960 - 1961), toàn Trường có 152 giáo sinh, biên chế thành 05 lớp: 02 lớp Tự nhiên, 02 lớp Xã hội và 01 lớp cấp tốc. Riêng lớp cấp tốc (hay còn gọi là lớp vệ tinh, có khoảng 20 giáo sinh, dành cho con em các dân dân tộc ít người chưa tốt nghiệp cấp II) chỉ đào tạo các môn Tự nhiên.

Về tổ chức Đảng, Trường có 1 chi bộ trực thuộc Đảng bộ Khu Học xá. Bí thư Chi bộ đầu tiên là thầy Cao Thiệp (1960 - 1962), sau đó là thầy Mai Ngọc Nam (1962 - 1965). Về tổ chức đoàn thể, cả Trường có 01 Liên Chi đoàn trực thuộc Ban Chấp hành Đoàn Khu Học xá. Bí thư Liên Chi đoàn đầu tiên là thầy Lê An.

Năm 1961, Nhà trường mở thêm hệ Hàm thụ (đào tạo cả Tự nhiên và Xã hội) dành cho những giáo viên đã tốt nghiệp Sư phạm Tiểu học về Trường học tập trung 2 kỳ. Phần lớn giáo viên tốt nghiệp đều trở thành cốt cán chuyên môn ở các trường phổ thông và phòng giáo dục huyện.

Do khó khăn thiếu thốn về tài liệu và cơ sở vật chất phục vụ dạy học nên hầu hết các bài giảng và đồ dùng dạy học, giáo viên đều phải tự biên soạn và thiết kế lấy.

Sau khi kết thúc năm học đầu tiên, cuối năm 1961, Khu Học xá chuyển địa điểm từ châu Mường La về thị trấn Thuận Châu(*) (lúc đó là Thủ phủ của Khu Tự trị Thái - Mèo). Sau đó, Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo được Khu cấp đất xây dựng Trường tại thị trấn Thuận Châu với diện tích mặt bằng quản lí là 15,16 ha.

Năm 1962, Khu Tự trị Thái - Mèo đổi tên gọi là Khu Tự trị Tây Bắc. Để phù hợp với đơn vị hành chính mới của Khu, Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo đổi tên gọi là Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Tây Bắc (gọi tắt là Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc).

Từ khi chuyển về Thuận Châu, Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc có bước phát triển mới. Ban Giám hiệu Nhà trường từng bước được kiện toàn, cơ cấu tổ chức của Trường tiếp tục được bổ sung, công tác đào tạo và xây dựng cơ sở vật chất có nhiều chuyển biến tích cực.

Cuối năm 1961, thầy Lường Văn Cúc, Trưởng Ban Quản lí Khu Học xá Thuận Châu được bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng Trường Sư phạm cấp II Khu Tự trị Thái - Mèo; thầy Đỗ Mộng Bảo được bổ nhiệm giữ chức Phó Hiệu trưởng. Ngay sau đó, thầy Lường Văn Cúc được Khu cử đi học tại Trường Bổ túc Văn hoá Trung ương (Hà Nội), thầy Đỗ Mộng Bảo với cương vị Phó Hiệu trưởng tiếp tục phụ trách Trường.

Năm học 1961 - 1962, thầy Đặng Phối được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng. Tháng 8/1963, Bộ Giáo dục bổ nhiệm thầy Phạm Viết Tâm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Nhà trường.

Năm 1964, thầy Lường Văn Cúc (Hiệu trưởng) hoàn thành chương trình học tập ở Trường Bổ túc Văn hoá Trung ương về quản lí Nhà trường.

........................

(*) Khi chuyển về Thuận Châu (Sơn La) Khu Học xá có 3 trường: Trường SP Cấp II, Hiệu trưởng là thầy Lường Văn Cúc, Trường Bổ túc Công - Nông, Hiệu trưởng là thầy Lò An Bình, Trường TN Dân tộc, Hiệu trưởng là thầy Lê Khánh Tể (CT Công đoàn Khu Học xá).

 

Cùng thời gian này, một số phòng, ban của Trường bắt đầu được hình thành. Phòng Giáo vụ do thầy Thọ (giáo viên dạy Hoạ) phụ trách; Phòng Tổ chức do ông Nguyễn Viết Thanh (cán bộ tổ chức của Khu) làm Trưởng phòng. Năm 1963, Phòng Quản trị Hành chính được thành lập.

Sau đó, đội ngũ giáo viên của Trường tăng lên nhanh chóng. Nhiều giáo viên tiếp tục được Bộ Giáo dục cử lên tăng cường cho Nhà trường, trong đó có cô Lí Bích Phương (người Hoa), giáo viên Toán về Trường năm 1961, là giáo viên nữ đầu tiên của Trường, thầy Hà Văn Nguyên (người Mường ở Yên Bái), giáo viên Tâm lí Giáo dục về Trường năm 1965, là giáo viên dân tộc thiểu số đầu tiên của Trường. Năm học 1964 - 1965, tổng số giáo viên, cán bộ của Trường là 67 người.

Hàng năm, Nhà trường cử cán bộ về các địa phương của Tây Bắc tiếp nhận hồ sơ và đón các giáo sinh về Trường học tập, rèn luyện. Số lượng giáo sinh là con em các dân tộc Tây Bắc tựu trường ngày một đông. Năm học 1963 - 1964, Trường có 347 giáo sinh, được biên chế thành 7 lớp, trong đó có 01 lớp “Đặc cách” (có khoảng 30 giáo sinh). Năm 1964, hai ban đào tạo Tự nhiên và Xã hội được hình thành, Trường bắt đầu mở hệ 7+3, gồm có 01 lớp Tự nhiên, 01 lớp Xã hội với tổng số khoảng 50 giáo sinh.

Về cơ sở vật chất, năm học đầu ở Thuận Châu (1961 - 1962), Trường có 1 nhà ăn tập thể phục vụ chung cho cả giáo viên, cán bộ và giáo sinh, 1 sân vận động để tổ chức các hoạt động chung, 3 dãy nhà tập thể của giáo viên, 7 lớp học và nhà ở của giáo sinh. Tất cả nhà ở, lớp học của Trường đều là nhà gianh tre, vách đất do thầy, trò tìm kiếm vật liệu tự làm lấy. Sau hơn 4 năm xây dựng, đến năm 1965, Trường đã có 09 dãy nhà xây lợp ngói và 12 nhà toóc xi lợp gianh. Riêng chỗ ở của giáo sinh vẫn còn nhà gianh tre, vách đất.

Tuy chưa khang trang, nhưng hệ thống cơ sở vật chất đó về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu công tác, đào tạo cùng những sinh hoạt của cán bộ, giáo viên và giáo sinh Nhà trường. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Nhà trường mở rộng qui mô đào tạo.

Cùng với sự phát triển của Nhà trường, các tổ chức đoàn thể quần chúng: Công đoàn, Đoàn Thanh niên từng bước lớn mạnh. Đến năm 1965, Liên chi có 07 Chi đoàn với trên 300 đoàn viên; Công đoàn Nhà trường có gần 100 đoàn viên (cả giáo viên và cán bộ).

Hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao được coi là một trong những thế mạnh của Trường. Các đội văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền của Trường tham gia các kỳ hội thao, hội diễn của tỉnh, Khu đều đạt giải. Tháng 10/1963, tỉnh Sơn La (mới tái lập) tổ chức Giải bóng đá Liên ngành, đội bóng đá nam của Trường tham gia thi đấu đạt Giải B.

Là một trường đóng ở địa phương miền núi Tây Bắc, nghèo nàn lạc hậu, xa Trung ương, giao thông liên lạc hết sức khó khăn..., nhưng sau 5 năm xây dựng, Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc đã có sự vươn lên phát triển nhanh chóng về mọi mặt. Đó là thành quả to lớn của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, sự nỗ lực cố gắng đầy tâm huyết của tập thể Ban Giám hiệu, cán bộ, giáo viên và giáo sinh Nhà trường. Có thể nói, trong những năm 1960 - 1965, Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc là trung tâm đào tạo cán bộ cách mạng người dân tộc thiểu số tiêu biểu ở Tây Bắc.

Trong số những giáo sinh tốt nghiệp của Trường, nhiều người đã trở thành cán bộ chủ chốt trong các ban, ngành của các tỉnh Tây Bắc, trong đó có các đồng chí: Lò Tiến Thâm, Trần Quang Ân, Cầm Thị Chiêu, Lò Thị Hải Yến, Hoàng Kim Thông, Quàng Văn Binh, Trần Luyến, Trần Du Luyện...(*)

1.3.2. Sự phát triển của Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc giai đoạn 1965 - 1973

Từ cuối 1964, đế quốc Mĩ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, mọi mặt hoạt động của miền Bắc nhanh chóng chuyển hướng “từ thời bình sang thời chiến” cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới của cách mạng.

.............................

(*) Ông Lò Tiến Thâm - nguyên PHT Trường Đại học Tây Bắc; ông Trần Quang Ân - nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học Sư phạm Sơn La; bà Cầm Thị Chiêu - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Sơn La, bà Lò Thị Hải Yến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Mầm non, ông Hoàng Kim Thông nguyên Trưởng khoa Toán - Lí, Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc, ông Quàng Văn Binh - nguyên Chủ tịch Điện Biên, ông Trần Luyến - nguyên Giám đốc Sở Văn hoá Sơn La, ông Trần Du Luyện - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Sơn La.

 

Quán triệt chỉ thị của Trung ương về việc chuyển hướng hoạt động “từ thời bình sang thời chiến” và tiến hành sơ tán nhân dân về các vùng nông thôn tránh sự đánh phá của đế quốc Mĩ, tháng 2/1965, Khu uỷ ra Chỉ thị về việc sơ tán nhân dân và các cơ sở kinh tế, văn hoá ra khỏi các vị trí mà địch có thể đánh phá. Tiếp đó, Uỷ ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc triệu tập cuộc họp để quán triệt Nghị quyết của Khu uỷ và phân chia địa điểm sơ tán cho các đơn vị. Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc được hướng dẫn sơ tán về một số xã của huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai và nếu chiến tranh ác liệt có thể sơ tán lên Tuần Giáo.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình, thực hiện Nghị quyết của Khu ủy, từ tháng 5/1965, Chi bộ và Ban Giám hiệu Nhà trường đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, nhanh chóng đưa Trường về nơi sơ tán ở Nà Toong (Thuận Châu). Tháng 7/1965, giặc Mĩ đánh phá Sơn La ngày càng ác liệt, từ Nà Toong, Trường tiếp tục sơ tán vào Huổi Má, Hát Củ (Quỳnh Nhai). Năm 1966, khoa Xã hội chuyển sang Thẩm Hang; khoa Tự nhiên vẫn ở Hát Củ, đến tháng 10/1966 chuyển đến Liệp Muội (Thuận Châu). Theo kế hoạch, các đồng chí trong Ban Giám hiệu Nhà trường có trách nhiệm quán xuyến mọi mặt hoạt động của Trường ở nơi sơ tán. Từng đồng chí trong Ban Giám hiệu đã được tăng cường cho các đơn vị để chỉ đạo việc dựng lán trại, nhanh chóng ổn định nơi ăn, chốn ở, tiếp tục nhiệm vụ giảng dạy, học tập.

Từ năm 1967, chiến tranh phá hoại của giặc Mĩ ngày càng trở nên ác liệt. Tỉnh Sơn La, trong đó có thị trấn Thuận Châu cũng bị chúng đánh phá nhiều lần. Cơ sở chính của Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc, nơi được coi là “Trung tâm đào tạo cán bộ cộng sản ở Tây Bắc” đã bị chúng san phẳng.

Trong thời kỳ sơ tán, để giữ bí mật, tránh sự đánh phá của giặc Mĩ, có lúc Trường đã đổi tên là “Hợp tác xã khai hoang Nậm Tè”, các lớp được gọi là các “Đội sản xuất”. Do phân tán đóng ở nhiều nơi nên địa chỉ liên hệ của Trường lúc này là Hợp tác xã khai hoang Nậm Tè (Mường Sại, Thuận Châu, Sơn La). Đến năm 1970, khi trở về Thuận Châu, Trường mới trở lại đúng tên gọi là Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc.

Là một trường sư phạm ở miền núi, lại mới được thành lập, khi sơ tán phải di chuyển đi nhiều nơi khác nhau, càng làm cho những khó khăn của Nhà trường thêm chồng chất. Có những lúc, lớp học phải chuyển vào trong các hang núi hoặc dựng lán trại ở đầu nguồn các khe suối. Cơ sở vật chất, nơi ăn chỗ ở của giáo viên, cán bộ và giáo sinh ở nơi sơ tán hết sức tạm bợ, thiếu thốn mọi bề. Trong khi đó, Sơn La bị địch đánh phá ác liệt, nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống sinh hoạt trở nên khan hiếm. Có thời điểm, việc vận chuyển lương thực, thực phẩm vào nơi sơ tán bị gián đoạn, cán bộ, giáo viên và giáo sinh đã tìm sắn, khoai và các loại rau rừng để ăn cho qua ngày.

Kiên trì trụ vững vào thời điểm thử thách gian truân nhất đó, Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc đã có bước phát triển mới. Tháng 6/1967, Khu uỷ ra Quyết định thành lập Đảng bộ Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc, Bí thư Đảng uỷ là thầy Phạm Viết Tâm. Đảng bộ lúc này có 4 Chi bộ với 31 đảng viên.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, trong bom đạn chiến tranh, bộ máy tổ chức của Trường tiếp tục được kiện toàn. Năm 1967, ngoài hai khoa Tự nhiên và Xã hội, Trường thành lập thêm khoa Chính trị, Trưởng khoa là thầy Phạm Viết Tâm (khoa Chính trị chỉ đào tạo được 02 khoá, mỗi khoá có trên 50 giáo sinh, đến năm 1970 khi Trường chuyển về Thuận Châu thì kết thúc).

Công tác đào tạo của Nhà trường vẫn được duy trì và giữ vững. Trong hoàn cảnh đế quốc Mĩ tăng cường đánh phá miền Bắc và địa bàn tỉnh Sơn La hết sức ác liệt, khó khăn thiếu thốn về mọi mặt, Nhà trường phải sơ tán ở nhiều nơi, nhưng năm học 1965 - 1966, Trường vẫn duy trì được 8 lớp với tổng số 206 giáo sinh. Năm học 1966 - 1967, cả Trường có 10 lớp theo học ở hai hệ 7+2 và 7+3, với gần 300 giáo sinh.

Có thể nói, những năm tháng sơ tán là thời kỳ gian truân nhất trong quá trình phát triển đi lên của Nhà trường, khó khăn thiếu thốn về mọi mặt, từ viên phấn, cái bút, quyển vở đến tài liệu đồ dùng dạy học. Tuy nhiên, phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” vẫn được dấy lên sôi nổi, chất lượng đào tạo được giữ vững. Chính thời điểm này, nhiều thầy, cô giáo đã khắc phục mọi khó khăn thử thách, vươn lên đạt danh hiệu giáo viên dạy Giỏi, trở thành tấm gương mẫu mực về nghị lực vượt khó, lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm, lí tưởng nghề nghiệp cho giáo sinh noi theo. Điển hình nhất là các thầy: Lường Văn Cúc, Đỗ Mộng Bảo, Phạm Viết Tâm, Lê An, Phan Lạc Đĩnh, Bắc Việt, Cầm Quynh.... Nhiều cán bộ, công nhân viên phát huy tinh thần trách nhiệm, cần mẫn trong công việc, thương yêu giáo sinh như ruột thịt của mình. Nhiều giáo sinh đã khắc phục khó khăn gian khổ ngày đêm miệt mài học tập đạt danh hiệu tiến tiến, xuất sắc. Hàng năm, tỷ lệ tốt nghiệp, lên lớp luôn đạt từ 90 - 98%.

Từ năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước của nhân dân ta bước sang thời kỳ mới. Chiến tranh phá hoại của giặc Mĩ tạm thời chấm dứt, miền Bắc trở lại thời kỳ hoà bình. Nhưng không vì thế mà nhiệm vụ chiến đấu bị buông lỏng, trái lại, nhân dân miền Bắc luôn đề cao cảnh giác, vì “Đế quốc Mĩ có thể quay trở lại đánh phá miền Bắc bất cứ lúc nào”.

Trên tinh thần đó, năm 1968, mọi mặt hoạt động của Nhà trường vẫn được duy trì ở nơi sơ tán. Chỉ có một số cán bộ hành chính, phục vụ về cơ sở ở Thuận Châu làm nhiệm vụ mua bán lương thực, thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu cho giáo viên, cán bộ và giáo sinh. Đến tháng 4/1970, các đơn vị của Trường mới từ nơi sơ tán chuyển về thị trấn Thuận Châu tiếp tục nhiệm vụ đào tạo.

Năm 1971, hưởng ứng khẩu hiệu hành động của tỉnh Sơn La “Tiền tuyến cần người Sơn La có đủ, tiền tuyến cần của Sơn La sẵn sàng”, Nhà trường làm Lễ xuất quân cho thầy Nguyễn Thiện Tề (giáo viên Hoá học) và 21 giáo sinh lên đường nhập ngũ. Trong số này, giáo sinh Lường Xích Long (khoa Tự nhiên) sau đó đã hy sinh.

Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của giặc Mĩ chấm dứt chưa được bao lâu, ngày 06/04/1972, chúng tiếp tục quay trở lại đánh phá miền Bắc lần thứ hai. Trong hoàn cảnh đó, quán triệt Chỉ thị của Trung ương và Khu uỷ, từ giữa năm 1972, thầy trò Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc tiến hành sơ tán lần hai. Khác với lần trước, phạm vi sơ tán lần này hẹp hơn, chủ yếu là các địa điểm: Nà Toong, Chiềng Ly, Liệp Muội, Mường Sại (Thuận Châu). Rút kinh nghiệm trong lần sơ tán thứ nhất, Nhà trường chỉ đạo sâu sát hơn; cơ sở vật chất được chuẩn bị chu đáo, nhanh gọn; việc dựng lán trại, tu sửa hầm hào được phân công cụ thể cho từng đơn vị phòng, ban, khoa và đến từng lớp; vấn đề tích trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và công tác cảnh giới được đặc biệt coi trọng. Nhờ vậy, mọi hoạt động của Trường ở nơi sơ tán nhanh chóng được ổn định, hoạt động dạy học được duy trì đều đặn.

Từ năm 1972, ngoài hệ đào tạo 7+3 vẫn được duy trì, Nhà trường bắt đầu mở hệ đào tạo 10+3 (khoá đầu có 02 lớp, 32 giáo sinh, trong đó lớp Văn - Sử có 18 giáo sinh, lớp Toán - Lí có 14 giáo sinh; đến 1973, có thêm 01 lớp Sinh - Hoá, 01 lớp Sinh - Địa) và mở hệ Dự bị 7+2 dành cho con em các dân tộc vùng sâu, vùng xa vào học chương trình cấp III (02 năm) sau đó chuyển lên học Hệ 10+3. Khoá Dự bị đầu tiên của Trường có 02 lớp: 01 lớp Tự nhiên, 01 lớp Xã hội với tổng số gần 100 học sinh.

Trong hoàn cảnh phải đi sơ tán, chiến tranh ác liệt, Trường phân tán đóng ở nhiều nơi, nhưng chất lượng đào tạo và nề nếp chuyên môn vẫn được đặc biệt coi trọng. Nhờ đó, hàng năm, tỷ lệ giáo sinh tốt nghiệp luôn đạt từ 95% trở lên.

Công tác đoàn thể, nhất là hoạt động của Đoàn thanh niên luôn được duy trì đều đặn. Phong trào thi đua chống Mĩ, cứu nước được dấy lên sôi nổi và đi vào chiều sâu. Năm 1971, Nhà trường chỉ đạo Công đoàn, Đoàn thanh niên triển khai các phong trào thi đua chống Mĩ, cứu nước và tiến hành trồng cây (cây lát, cây đen, cây long não) trong khuôn viên của Trường. Mỗi khoá giáo sinh tốt nghiệp ra trường đều được Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường chỉ đạo tổ chức lễ phát động phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”, động viên tuổi trẻ tình nguyện đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì để góp phần vào công cuộc chống Mĩ, cứu nước của dân tộc.

1.3.3. Sự phát triển của Trường Sư phạm cấp II Tây Bắc giai đoạn 1973 - 1980

Năm 1972, nhân dân ta giành được thắng lợi to lớn trên cả hai miền Nam -Bắc, buộc đế quốc Mĩ và tay sai phải kí kết Hiệp định Pari (27/01/1973).

Trong điều kiện, hoàn cảnh mới của cách mạng Việt Nam sau Hiệp định Pari, thực hiện Chỉ thị của Khu uỷ và Uỷ ban Hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện từ nơi sơ tán trở về địa điểm cũ.

Để chuẩn bị cho công tác di chuyển các đơn vị sơ tán về thị trấn Thuận Châu, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường cử đoàn cán bộ do các thầy Phí Văn Thinh, Phan Lạc Đĩnh dẫn đầu về trước. Do nhà cửa, lớp học, đường xá lâu ngày không sử dụng, lại bị chiến tranh tàn phá nên mọi cơ sở vật chất hầu như phải làm lại từ đầu. Đoàn cán bộ của Trường đã tập trung tu sửa lại nhà cửa, lớp học, đường xá và một số công trình công cộng như nhà ăn tập thể, trạm xá… để đón các đơn vị từ nơi sơ tán trở về. Đến tháng 7/1973, các đơn vị của Trường chuyển hết về thị trấn Thuận Châu. Do có sự chuẩn bị trước nên nơi ăn, chốn ở của trên 1000 con người, cả giáo viên, cán bộ và giáo sinh nhanh chóng được ổn định; khó khăn thiếu thốn từng bước được khắc phục.

Cùng với những biện pháp nhằm nhanh chóng ổn định tình hình, Nhà trường cũng đôn đốc các đơn vị chấn chỉnh đội ngũ, kiểm tra lại toàn bộ các trang thiết bị, tài liệu, đồ dùng dạy học để sớm có kế hoạch mua sắm bổ sung, kịp thời bước vào năm học mới. Để nhanh chóng đưa Nhà trường phát triển đi lên, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu đặc biệt chú trọng công tác xây dựng đội ngũ, mở rộng qui mô, loại hình đào tạo.

Từ năm học 1973 - 1974, Nhà trường tiếp tục đề nghị Bộ Giáo dục tăng cường thêm giáo viên cho Trường. Nhiều thầy, cô tốt nghiệp các trường: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Sư phạm Việt Bắc được Bộ cử lên công tác ở Trường. Ban Giám hiệu cũng đề ra chủ trương giữ lại Trường những giáo sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt để bổ sung cán bộ cho các phòng, ban hoặc gửi đi đào tạo nâng cao trình độ. Nhờ vậy, đến năm 1975, đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường tăng lên 157 người, trên 40% trong số đó có trình độ đại học và 10+3. Đây là lực lượng trọng yếu đưa Nhà trường phát triển đi lên.

Công tác đào tạo cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Nhà trường đã tập trung mũi nhọn ưu tiên cho hệ đào tạo 10+3. Năm 1975, Trường có 7 lớp 10+3 thuộc các ngành: Văn - Sử, Toán - Lí, Sinh - Hoá, Sinh - Địa, Lí - Kỹ thuật Công nghiệp, với tổng số trên 300 giáo sinh. Trong thời gian này, số lượng học sinh các lớp Dự bị Tự nhiên và Xã hội cũng tăng lên nhanh chóng; lớp Dự bị Xã hội có khoá đông đến trên 70 học sinh.

Cuối năm 1974 đầu năm 1975, thời cơ giải phóng miền Nam đã xuất hiện. Thực hiện Kế hoạch giải phóng miền Nam của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, nhân dân ta thực hiện “Dốc sức mình chi viện cho tiền tuyến miền Nam” để đưa cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước đi đến thắng lợi.

Hòa cùng khí thế chung của dân tộc, thầy trò Trường Sư phạm cấp II (10+3) Tây Bắc tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua chống Mĩ, cứu nước: Thanh niên “Ba sẵn sàng”, Phụ nữ “Ba đảm đang”, “Dạy tốt - Học tốt”. đặc biệt, phong trào tòng quân tình nguyện, xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ được đông đảo cán bộ, giáo viên và giáo sinh Nhà trường hưởng ứng. Trong những năm chống Mĩ, cứu nước đã có 71 giáo sinh và giáo viên Nhà trường lên đường nhập ngũ góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước đi đến thắng lợi.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước thắng lợi, đất nước được độc lập thống nhất, cả nước cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, tháng 11/1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 245 về bỏ Khu, hợp Tỉnh. Đến năm 1976, Khu Tự trị Tây Bắc giải thể sau hơn 20 năm tồn tại và phát triển. Từ năm 1976, Trường Sư phạm cấp II (10+3) Tây Bắc trực thuộc Bộ Giáo dục quản lí và tiếp tục làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên cấp II cho các tỉnh Tây Bắc.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới của Nhà trường, dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục, bộ máy lãnh đạo Trường nhanh chóng được kiện toàn.

Năm 1977, đồng chí Cầm Quynh được bổ nhiệm Hiệu trưởng Nhà trường; Ban Giám hiệu lúc này gồm có: đồng chí Cầm Quynh - Hiệu trưởng, đồng chí Hoàng Siêng - Phó Hiệu trưởng, đồng chí Phạm Viết Tâm - Phó Hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ.

Cùng với việc kiện toàn Ban Giám hiệu, các đơn vị phòng, ban, khoa cũng được củng cố, tăng cường.

Từ 1978 đến 1980, ngoài 02 khoa Tự nhiên và Xã hội, Nhà trường thành lập mới khoa Đào tạo Cơ sở (hay còn gọi là khoa Dự bị, ban đầu có 03 lớp) do thầy Nguyễn Thiện Tề làm Trưởng khoa.

Các phòng, ban của Trường gồm có: Phòng Tổ chức Chính trị, Phòng Giáo vụ, Phòng Quản trị Đời sống, Phòng Hành chính Tổng hợp, Tổ Tài vụ, Tổ Kiến thiết, Trạm xá. Các tổ chức đoàn thể có Công đoàn, Đoàn Thanh niên.

Trong bối cảnh chung của đất nước thời bao cấp (những năm 1975 - 1980), kinh tế, xã hội có nhiều biến động, thiên tai lũ lụt diễn ra ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam; hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc để lại hậu quả trầm trọng, đẩy đất nước ta lâm vào khủng hoảng, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Là một trường đóng trên địa bàn miền núi Tây Bắc, Trường Sư phạm cấp II (10+3) Tây Bắc cũng phải trải qua những năm tháng thử thách cam go. Đời sống của cán bộ, giáo viên và giáo sinh hết sức khó khăn. Hàng tuần, thầy và trò phải cùng nhau vào Cơ sở 2 của Nhà trường ở Chiềng Bôm (Thuận Châu) tăng gia lao động sản xuất. Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ, Nhà trường tham gia cùng với địa phương xây dựng phòng tuyến ở đèo Pha Đin.

Bằng ý chí, nỗ lực, quyết tâm, thầy, trò Trường Sư phạm cấp II (10+3) Tây Bắc đã từng bước vượt qua mọi khó khăn thử thách, đưa Nhà trường không ngừng vươn lên.

Đội ngũ cán bộ giảng dạy của Trường tiếp tục tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Ngoài những giáo viên ở xuôi lên, đội ngũ giáo viên Nhà trường còn được bổ sung thêm nhiều đồng chí đã tốt nghiệp sau đại học ở Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ năm học 1979 - 1980, Nhà trường có chủ trương cử một số học sinh hệ Dự bị 7+2 dự thi vào các trường: Đại học Sư phạm Hà Nội 1, Đại học Sư phạm Việt Bắc, Đại học Sư phạm Hà Nội 2 nhằm tạo nguồn cán bộ giảng dạy cho Trường về sau này. Trong số 36 người được Nhà trường cử đi dự thi khoá đầu, có 12 người trúng tuyển vào Đại học Sư phạm Việt Bắc, Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Đến 1980, tổng số giáo viên, cán bộ Nhà trường tăng lên 227 đồng chí, trong đó 76 đồng chí có trình độ đại học, 5 đồng chí có trình độ sau đại học và 1 đồng chí có trình độ lí luận cao cấp.

Công tác chuyên môn được đặc biệt coi trọng. Hàng năm, Trường tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi từ cấp Khoa đến cấp Trường. Phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” đã có từ thời chống Mĩ, tiếp tục được dấy lên sâu rộng trong toàn Trường.

Công tác đào tạo của Trường thời gian này cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Ngoài hệ 10+3 và hệ Dự bị (7+2) đã có từ trước, từ năm 1980, Trường bắt đầu tuyển hệ Cao đẳng Chính qui đầu tiên, có 05 lớp (300 giáo sinh), bao gồm: Văn, Toán, Sinh, Lí - Kỹ thuật Công nghiệp, Sử - Chính trị. Địa bàn tuyển sinh của Trường ngày càng được mở rộng; ngoài đối tượng con em các dân tộc ở Tây Bắc, thời kỳ này có nhiều học sinh ở các tỉnh Thái Bình, Hải Hưng, Hà Tây... lên học. Năm học 1979 - 1980, Trường có 31 lớp với tổng số 1.110 giáo sinh, trong đó tỉ lệ giáo sinh là con em các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc chiếm khoảng 15%.

Với những thành tích đạt được, tháng 4/1980, Nhà trường được Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba, Đoàn thanh niên được Trung ương Đoàn tặng cờ luân lưu “Đơn vị khá nhất khối các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp”. Công đoàn Nhà trường nhiều năm liền được Công đoàn ngành và Công đoàn tỉnh Sơn La tặng Bằng khen.

Năm 1980, đồng chí Cầm Quynh - Hiệu trưởng Nhà trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhiều tập thể, cá nhân cũng được Bộ Giáo dục, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Sơn La tặng Bằng khen.

Tóm lại, 20 năm đầu tiên là thời kì Nhà trường phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng bằng ý chí và nghị lực vượt khó, Trường đã không ngừng vươn lên, trưởng thành. Đội ngũ cán bộ, giáo viên không ngừng tăng lên. Công tác đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực. Các đoàn thể quần chúng ngày càng vững mạnh. Thành tựu rực rỡ nhất của Nhà trường trong 20 năm xây dựng và phát triển là đã đào tạo, bồi dưỡng được 2.271 giáo viên (thuộc các hệ 7+2, 7+3, 10+3 và Cao đẳng bồi dưỡng), trong đó có 490 giáo viên người dân tộc thiểu số. Đây là kết quả sự nỗ lực phấn đấu đầy tâm huyết của tập thể Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, cùng toàn thể cán bộ, giáo viên và giáo sinh Nhà trường.

Thành tựu này thực sự đã góp phần tạo cơ sở nền tảng cho Nhà trường phát triển đi lên trong các giai đoạn sau.

Mời theo dõi tiếp Phần 2