Những năm qua, nhiều chương trình hợp tác trên các lĩnh vực đã được triển khai hiệu quả giữa tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào, trong đó, lĩnh vực giáo dục và đào tạo được đánh giá cao, góp phần vun đắp tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào. Các trường Đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Sơn La đã thực hiện tốt công tác đào tạo cho lưu học sinh Lào, tạo điều kiện trong giảng dạy, học tập cũng như điều kiện về sinh hoạt ăn, ở để học sinh Lào yên tâm học tập. Nhiều thế hệ lưu học sinh được đào tạo tại đây đã góp phần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho nước bạn. Phóng sự: “Nâng cao chất lượng đào tạo Lưu học sinh Lào tại tỉnh Sơn La” sẽ phản ánh về điều đó.
Hiện nay, tỉnh Sơn La có 4 trường chuyên nghiệp thực hiện nhiệm vụ quốc tế đào tạo lưu học sinh Lào, đó là: Trường Đại học Tây Bắc, Trường Cao đẳng Sơn La, Trường Cao đẳng Y tế Sơn La và trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật và du lịch với hơn 1000 lưu sinh viên Lào tham gia.
Tại trường Đại học Tây Bắc, năm học 2016-2017, nhà trường tiếp nhận mới 162 lưu học sinh Lào, nâng tổng số lưu học sinh đang theo học tại trường lên 471 học sinh, trong đó có 381 em học các lớp chuyên ngành và 95 em học lớp dự bị tiếng Việt. Các lưu học sinh đang theo học 25 ngành đào tạo, trong đó, 21 ngành đào tạo đại học, 4 ngành đào tạo sau đại học. Khi các em mới sang Việt Nam học tập thì hoàn toàn bất đồng về ngôn ngữ, xa lạ với môi trường học tập cũng như môi trường sống, vì thế các em rất rụt rè, ngại giao tiếp…. Xác định rõ trách nhiệm quốc tế cao cả, Ban giám hiệu, các thầy cô giáo và sinh viên nhà trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các em học tập trong điều kiện tốt nhất. Các thầy cô trực tiếp giảng dạy luôn gần gũi với các em để các em có thể yên tâm học tập tiếng Việt cũng như các môn chuyên ngành, giúp các em hòa mình vào các hoạt động của lớp, khoa.
Em Sụ Li Khằn - Lớp Dự bị Tiếng Việt 1 - Trường Đại học Tây Bắc - Sơn La: “Khi em sang Việt nam học, các thầy cô giáo và nhà trường đã giúp đỡ em rất nhiều các cô giáo đã dạy cho em học ,viết, đọc và nói chuyện với nhau, còn đối với các bạn sinh viên Việt Nam đã dạy cho em ôn bài, làm bài tập ở nhà , em thật sự yên tâm và vui mừng khi được học tại trường Đại học Tây Bắc” .
Đây cũng là năm thứ hai trường Đại học Tây Bắc nhận nhiệm vụ giảng dạy Tiếng Việt cho lưu học sinh Lào. Quá trình giảng dạy nhà trường cũng gặp những khó khăn như kinh nghiệm giảng dạy chưa nhiều, tài liệu giáo trình còn thiếu và cũng bất đồng về ngôn ngữ. Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, tình thương yêu học sinh, các giáo viên ở đây luôn cố gắng tự trau dồi kiến thức chuyên môn bổ trợ, tìm tòi những phương pháp, tìm tòi thêm tài liệu để giảng dạy Tiếng Việt cho các em đạt được hiệu quả cao nhất; Đồng thời cũng phải tự học Tiếng Lào để giảm bớt khó khăn về bất đồng ngôn ngữ giữa thầy và trò nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng chuyên môn.
Giảng viên: Lê Thị Xuân Liên - Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Tây Bắc - Sơn La: “Chúng tôi luôn đồng hành cùng các em suốt quá trình học Tiếng Việt, quan tâm, chia sẻ, , giúp đỡ các em vượt qua những khó khăn những rào cản về ngôn ngữ, những khó khăn trong quá trình học tập, rèn luyện 4 kỹ năng chính khi học Tiếng Việt đó là nói, nghe, đọc và viết”..
Không chỉ được giúp đỡ để có điều kiện học tập tốt nhất, các lưu học sinh Lào còn luôn được các thầy cô giáo, các bạn sinh viên Việt Nam quan tâm, chia sẻ, tháo gỡ cả những vướng mắc về tâm tư, những khó khăn về đời sống vật chất cũng như là sinh hoạt… từ đó đã ngày càng thắt chặt hơn tình cảm gắn bó giữa hai nước Việt Nam - Lào; Sơn La- các tỉnh bắc Lào.
Em Sụ Li Vông Lọt Sụ Li - Lớp K54 Đại học Sư phạm Hóa học - Trường Đại học Tây Bắc - Sơn La: “Em còn được tham gia các buổi sinh hoạt do trường tổ chức và nhà trường cũng rất quan tâm tổ chức cho các em những ngày lễ như là tết Bun py may, ngày Quốc khánh Lào làm cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Lào ngày càng sâu sắc hơn. Ước mơ sau này khi ra trường em sẽ làm thầy giáo dạy Hóa ở Lào và sẽ góp phần xây dựng tình đoàn kết, tình hữu nghị giữa Việt Nam và Lào và có cơ hội, mong ước nhất của em là sẽ sang Việt Nam du học sẽ học bậc cao hơn là thạc sỹ hoặc Tiến sỹ ở đây”.
Ngoài thực hiện tốt công tác giảng dạy cho lưu học sinh Lào, nhà trường đã dành một khu ký túc xá riêng cho lưu học sinh Lào. Các em được miễn hoàn toàn các chi phí về chỗ ở tại khu nội trú của trường, làm thẻ sinh viên, thẻ thư viện..; tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các em được tham gia vào các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao, hiến máu nhân đạo của trường... Vào những ngày lễ, tết của hai nước, ngoài việc tạo điều kiện để các em được về nhà đón tết truyền thống và thăm gia đình, trường còn tổ chức cho các em vui xuân, đón tết cổ truyền dân tộc Việt Nam...
Tiến sỹ Đoàn Đức Lân - Phó Hiệu trưởng - Trường Đại học Tây Bắc - Sơn La: Hàng năm tổ chức Hội nghị Công tác LHS Lào có mời Sở Ngoại vụ, Sở GD và ĐT và một số đơn vị liên quan khác để đánh giá những kết quả, thành công và xác định được những hạn chế để đưa ra những giải pháp phù hợp để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và nâng cao chất lượng đào tạo Lưu học sinh. Một trong những môn học mà LHS cần tập trung là tiếng Việt, có học được Tiếng Việt mới học được các môn khác. Nhà trường đã tham khảo các kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo khác, tham khảo chương trình, giáo trình để xây dựng chương trình đào tạo tiếng Việt phù hợp cũng như vận dụng linh hoạt những phương pháp học tập tích cực”.
Còn tại trường Cao đẳng Sơn La là đơn vị cũng được tỉnh giao trách nhiệm đào tạo Tiếng Việt và các chuyên ngành cho lưu học sinh 8 tỉnh Bắc Lào. Tính đến nay, đã 16 năm nhà trường thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho gần 1.400 lưu học sinh Lào.Trong những năm qua, nhà trường không ngừng cải tiến để xây dựng một chương trình đào tạo đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giúp cho lưu học sinh sau khi hoàn thành chương trình đào tạo Tiếng Việt thì các em sẽ đạt được ở trình độ là bậc 3 trung cấp với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đảm bảo cho lưu học sinh có đủ tiểu chuẩn tham gia học các chương trình đào tạo chuyên ngành tại các trường Đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Thạc sỹ Nguyễn Văn Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sơn La - Sơn La: Trong quá trình tổ chức đào tạo nhà trường quan tâm đến việc nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên, lựa chọn những giáo viên có nhiều kinh nghiệm để giúp cho lưu học sinh ngay từ những bài học đầu tiên đã tiếp cận và làm quen với yêu cầu của môn học. Đồng thời nhà trường trang bị những phương tiện kỹ thuật hiện đại để hỗ trợ trong quá trình giảng dạy, sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy trên lớp, cung cấp cho các em đầy đủ các tài liệu liên quan như từ điển, tài liệu tham khảo trên hệ thống thư viện điện tử của nhà trường; bồi dưỡng thêm cho những em có năng lực còn hạn chế”.
Nhà trường cũng lựa chọn những sinh viên có phẩm chất đạo đức tốt và phần lớn là những sinh viên học hệ cao đẳng tiểu học, là những sinh viên năm cuối đã được đào tạo tương đối bài bản trong lĩnh vực giảng dạy về tiếng Việt để xây dựng những đội thanh niên tình nguyện giúp các bạn lưu học sinh Lào thực hiện các bài tập trong những giờ tự học. Đồng thời với các đôi bạn tự học như vậy thì các em được tham gia vào rất nhiều hoạt động với nhiều tình huống giao tiếp phong phú, đa dạng để góp phần củng cố và bổ sung vốn ngôn ngữ là điều kiện rất quan trọng trong quá trình học tiếng của lưu học sinh.
Em Quàng Thu Trang - Lớp K52A Cao đẳng mầm non - Trường Cao đẳng Sơn La - Sơn La: “Trong quá trình học tập tại nhà trường, em được các cô trong khoa Tiểu học mầm non xác định việc giúp đỡ các bạn sinh viên Lào là trách nhiệm của sinh viên chuyên ngành mầm non. Chính vì vậy ngay từ khi các bạn mới sang Việt Nam chúng em đã được nhà trường phát động phong trào “Đôi bạn cùng tiến” để giúp đỡ các bạn sinh viên Lào và các bạn sinh viên Lào đã được tham gia rất nhiều các hoạt động, ví dụ như dạy các bạn tập đọc Tiếng Việt, dạy các bạn các điệu múa dân gian dân tộc và đó cũng là cơ hội để các bạn sinh viên Lào và sinh viên Việt Nam được gần gũi với nhau hơn”.
Để nâng cao chất lượng đào tạo tại trường Cao đẳng Sơn La đối với lưu học sinh Lào, nhà trường còn thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho các em, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách mà tỉnh đã dành cho lưu học sinh giúp các em đảm bảo về mặt sức khỏe yên tâm trong quá trình học tập. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tổ chức cho các em tham dự các hoạt động ngoại khóa như tổ chức các hội thi “hành trình Lưu học sinh Lào tham gia hành trình cùng tiếng Việt, hội thi hát các bài hát bằng Tiếng Việt và tổ chức cho học sinh tham quan các địa danh lịch sử trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh có liên quan trực tiếp trong các bài khóa trong chương trình, giáo trình mà các em đã được học để các em có thể hiểu rõ hơn về truyền thống văn hóa cũng như lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Em Bua Hỏm-Xay nhạ Sẻng - Lớp K51 - Cao Đẳng Quản trị Văn phòng - Trường Cao đẳng Sơn La - Sơn La: “Khi em sang Sơn La em và các bạn sinh viên Lào gặp rất nhiều khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ, đó là khó khăn phải xa gia đình, khó khăn chưa biết phong tục tập quán của Sơn La, của Việt Nam. Nhưng chúng em cũng được cô giáo dạy tiếng Việt như cô Thu, cô Hiền tận tình giúp đỡ hướng dẫn nên chúng em cũng nhanh chóng biết Tiếng Việt. Chúng em được các bạn sinh viên Việt Nam hướng dẫn, giúp đỡ, các bạn rất thân thiện. Em rất cố gắng để trở thành cán bộ giỏi trở về phục vụ, phát triển ở quê hương của em”.
Em Ly Na Phăn Tha Vông - Sinh viên K16A - Khoa Đào tạo Quốc tế - Trường Cao đẳng Sơn La - Sơn La: “Khi sang đây tôi được các thầy cô giáo và các bạn sinh viên trong nhà trường quan tâm giúp đỡ rất nhiều nên tôi đã hòa nhập được và yên tâm để học tập. Tôi sang Việt Nam học tập được 5 tháng rồi, tôi nghe, nói, đọc và nói với các bạn sinh viên Việt Nam và các cô giáo được rồi”.
Tại trường Cao đẳng Y tế Sơn La bắt đầu đào tạo lưu học sinh Lào từ năm 1971; qua 46 năm đến nay đã có hơn 400 học sinh, sinh viên ra trường. Hiện nay nhà trường đang có 201 học sinh Lào theo học tại trường. Nhà trường luôn xác định việc đào tạo lưu học sinh Lào là một nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, không chỉ truyền đạt kiến thức về chuyên môn mà còn phải làm tốt việc rèn luyện cho các em phẩm chất đạo đức, tác phong nghề nghiệp cũng như là ý thức tổ chức kỷ luật. Hiện nay, cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; số lượng lưu học sinh Lào học tại nhà trường khá nhiều nhưng nhà trường đã bố trí và dành riêng một khu để cho tất cả các em lưu học sinh Lào, kể cả các em học trong diện tự túc được ở trong ký túc xá được thiết kế phù hợp với phong tục và nếp sinh hoạt của các em, nhà trường cũng xây dựng và tổ chức bố trí bếp ăn tập thể cho các em đảm bảo chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Em Mơi Sinh Se Phan - Lớp Dược K5A - Trường Cao đẳng Y tế Sơn La: “Khi em học ở đây em thấy các thầy cô giáo ở đây, các bạn bè sinh viên Việt Nam cũng rất quan tâm đến chúng em. Mặc dù chúng em người Lào không biết tiếng Việt nhiều , không biết bài nhưng các thầy cô giáo, các bạn luôn quan tâm chúng em, dạy chúng em để chúng em hiểu được bài. Ngoài ra nhà trường cũng rất quan tâm các bạn sinh viên người Lào, đã tổ chức ngày quốc khánh cu nước Lào, để chúng ưm được trao đổi tiếng và nâng cao kiến thức và đặc biệt người Việt Nam rất thân thiện và mến khách. Nếu bao giờ em học xong em sẽ không bao giờ quên trường Cao đẳng Y tế Sơn La”.
Để giúp các em lưu học sinh, sinh viên Lào tăng cường khả năng sử dụng Tiếng Việt trong giao tiếp và ghi nhận kiến thức, nhà trường đã tổ chức đội sinh viên tình nguyện là người dân tộc Thái có nhiều điểm tương đồng về ngôn ngữ và tập tục sinh hoạt để giúp đỡ các lưu học sinh nâng cao vốn Tiếng Việt và chất lượng học tập các môn chuyên ngành.
Em Lường Thị Quyết - Lớp cao đẳng Điều dưỡng K6A - Trường Cao đẳng Y tế Sơn La: “Ở trên lớp các bạn học sinh Lào được ngồi xen kẽ với các bạn học sinh Việt , đặc biệt là cho các bạn học sinh người Lào ngồi với các bạn học sinh người Thái vì ngôn ngữ của các bạn hơi giống nhau, sự tiếp thu của các bạn Lào trên lớp khá là tốt nhưng đôi khi có từ chuyên môn khó thì chúng em giải thích cho các bạn để các bạn hiểu hơn. Ngoài giờ trên lớp qua chương trình ngoại khóa và hoạt động thể dục thể thao của nhà trường thì chúng em sẽ giới thiệu về bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam để giới thiệu về nét đẹp của Việt Nam chúng ta”.
Từ năm 2014, trường Cao đẳng y Sơn La tổ chức đợt thi sát hạnh tiếng Việt trước khi tiếp nhận vào học tại trường nhằm nâng cao chất lượng đầu vào cho học sinh Lào; Qua đó phân loại được trình độ của các em tạo điều kiện cho quá trình đào tạo, bồi dưỡng sau khi các em đã nhập học. Bên cạnh đó, nhà trường đã tổ chức biên soạn tài liệu tiếng Việt chuyên ngành cho các em, giúp các em bổ sung kiến thức, vốn từ trước khi học kiến thức về chuyên môn. Đến nay, nhà trường đã nghiệm thu được 2 bộ tài liệu Tiếng Việt chuyên ngành để phục vụ công tác giảng dạy, học tập của lưu học sinh Lào.
Thạc sỹ Hoàng Thị Thúy Hà - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Sơn La: “Hàng năm nhà trường đều tổ chức các hoạt động nhằm giáo dục, tuyên truyền giúp cho học sinh của cả 2 nước hiểu biết thêm về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Lào và chỉ đạo chi hội hữu nghị Việt Nam - Lào cùng với đoàn thanh niên, hội học sinh, sinh viên và các tổ chức chính trị xã hội khác trong nhà trường tổ chức các hoạt động tập thể , các hoạt động ngoại khóa , các buổi tình nguyện, các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thu hút đông đảo các em học sinh Lào tham gia . Cũng từ các hoạt động này giúp cho các em có trải nghiệm và tìm hiểu thực tế đồng thời rèn luyện được kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt và rèn luyện kỹ năng sống. Qua đây cũng tạo được mối quan hệ cởi mở, thân tình và đoàn kết giữa thầy và trò cũng như là mối quan hệ giữa các em học sinh Việt Nam và các em học sinh Lào”.
Những nỗ lực của Ban giám hiệu, của các thầy cô và các sinh viên Việt Nam tại các trường Chuyên nghiệp ở Sơn La đã giúp các lưu học sinh Lào yên tâm học tập và gắn bó với trường, với lớp, cống hiến cho sự nghiệp phát triển của đất nước Lào tươi đẹp; góp phần thắt chặt và củng cố tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt hai nước VN-Lào nói chung; tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào nói riêng./.