ĐCSVN) – Năm 2017, Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan, giai đoạn 2 (IPP2) sẽ triển khai đợt tài trợ mới cho các dự án đại học của Việt Nam nhằm phát triển chương trình đào tạo khung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Toàn cảnh lễ tổng kết Chương trình IPP2. Ảnh: BL
Đây là một trong những nội dung chính được đưa ra tại lễ tổng kết Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan, giai đoạn 2 (IPP2) được tổ chức ngày 10/3, tại Hà Nội. IPP2 là Chương trình hợp tác phát triển giữa hai Chính phủ Việt Nam và Phần Lan, do Bộ Ngoại giao Phần Lan và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam đồng chủ quản.
Trong hai năm qua, IPP2 đã đi tiên phong trong thử nghiệm các mô hình mới trong đào tạo, xây dựng năng lực và hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm cơ sở phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững.
Theo bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc IPP2, trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 2 năm qua, IPP2 đã thí điểm thành công mô hình tài trợ kinh phí theo hai giai đoạn kèm theo các hỗ trợ mềm tư vấn, đào tạo theo kinh nghiệm Phần Lan. Trong số 32 dự án doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và liên danh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được IPP2 tài trợ, có thể kể tên các dự án tốt nhất và tiềm năng nhất được vào giai đoạn 2 tài trợ nâng cấp, như: các dự án doanh nghiệp khởi nghiệp thành công trong cung cấp các ứng dụng tự động tiếp thị các trang thương mại điện tử - Beeketing, phân tích xử lý dữ liệu lớn Big Data - Abivin, hệ thống giải pháp tương tác quản lý khách sạn và đặt phòng - Ezcloud, cung cấp sản phẩm dừa tươi nguyên trái cho thị trường nội địa và quốc tế - Hamona...
Đặc biệt, sản phẩm công nghệ Plasma lạnh (tác giả TS. Đỗ Hoàng Tùng, TS. Nguyễn Thế Anh ) thuộc dự án thương mại hoá máy phát tia Plasma lạnh trong ứng dụng y sinh của Công ty Cổ phần Công nghệ Plasma Việt Nam PLT được IPP2 tài trợ ban đầu năm 2015, đã được bình chọn là một trong 10 sự kiện KH&CN tiêu biểu của Việt Nam đầu năm 2016. Máy PlasmaMed được Bộ y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành năm 2016 và đưa vào Việt Nam, trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ Plasma lạnh trong điều trị bệnh.
Năm 2017, IPP2 cũng sẽ triển khai đợt tài trợ mới cho các dự án đại học nhằm phát triển chương trình đào tạo khung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tạo lập và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong khuôn viên các trường đại học, trong đó có cả các dự án tích hợp giữa đại học và liên danh phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Các trường đại học có dự án tiềm năng nhất được lựa chọn hỗ trợ bao gồm: Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Tài chính - Marketing, Đại học kỹ nghệ Sài Gòn; Đại học Nha Trang; Đại học Đà Lạt và Cao đẳng công nghiệp Huế.
Trong hai năm 2017 và 2018, Chương trình IPP2 cũng sẽ chú trọng chuyển giao một cách bền vững các kết quả, bài học thực hành tốt nhất, kinh nghiệm và mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các đối tác Việt Nam nhằm bảm đảm tính bền vững của Dự án, đồng thời, tạo cơ sở để chuyển mối quan hệ đối tác hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Phần Lan từ viện trợ không hoàn lại sang hợp tác thương mại đôi bên cùng có lợi (“Aid to Trade”).
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh, Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và xem đây như một giải pháp quan trọng thúc đẩy số lượng và chất lượng doanh nghiệp Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ đang nỗ lực phối hợp với các Bộ chức năng xây dựng và đồng bộ hóa hành lang pháp lý và các cơ chế, chính sách cần thiết hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp và đầu tư cho khởi nghiệp. Nhiều chương trình, dự án hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp trung ương và địa phương đã được khởi động để thúc đẩy hoạt động ươm tạo, đào tạo và tư vấn khởi nghiệp, thương mại hóa công nghệ, tài trợ và hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Việc bước đầu có được môi trường thuận lợi như vậy về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam là kết quả của quá trình đổi mới tư duy chiến lược của các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách về đổi mới sáng tạo, trong đó, có thể nói, vai trò tiên phong của Chương trình IPP2 với sự hỗ trợ đắc lực của Chính phủ Phần Lan, đã đặt những dấu ấn tác động tích cực hết sức quan trọng.
Cũng trong lễ tổng kết hôm nay, 35 giảng viên đến từ 12 trường đại học và cơ sở đào tạo của Việt Nam đã nhận chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo do IPP2 tổ chức để trở thành các giảng viên nguồn về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại các trường đại học./.