Sáng ngày 27/12/2016, Diễn đàn “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo trong Nông nghiệp” đã diễn ra tại trụ sở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hà Nội nhằm giúp giới trẻ hiểu rõ về hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc điểm và cách xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp một cách hiệu quả ở Việt Nam.Diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ đạo, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ và Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức. Đây là một trong những sự kiện nhằm khép lại lại các hoạt động của chuỗi Chương trình Khởi nghiệp 2016.
Tham dự Diễn đàn có: Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Khoa học Công nghệ; Ông Phạm Quang Hiển – Vụ trưởng Vụ Quản lí Doanh nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bà Loreen Weintraub – Tổng Giám đốc điều hành Khu vực Đông Nam Á Tập đoàn ORCA… Đặc biệt, Diễn đàn có sự tham dự của gần 200 khách mời đến từ các cơ quan trung ương và địa phương, các Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các trường đại học, các bạn thanh niên – sinh viên cùng các cơ quan thông tấn báo chí. Trường Đại học Tây Bắc đã cử ông Hoàng Xuân Trọng - Khoa Kinh tế và hai cựu sinh viên của Trường đang khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Giàng A Dạy) và du lịch sinh thái Quỳnh Nhai (Là Văn Phong) tham dự.
Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thời gian qua 2 cụm từ được nhắc nhiều lần là nông nghiệp và khởi nghiệp. Đây là cứu cánh của nền kinh tế Việt Nam. Nông nghiệp là lợi thế đặc biệt của Việt Nam và khởi nghiệp là phương thức thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Theo ông Lộc, để phát triển nông nghiệp cần phải có hệ sinh thái để thúc đẩy khởi nghiệp. Chúng ta chỉ thành công khi xây dựng được một hệ sinh thái hoàn chỉnh, tất nhiên phải đảm bảo nhiều cách tiếp cận khác nhau: Thứ nhất, cần tạo cho các DN có thể tiếp cận thị trường; Thứ hai, cung cấp được nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các DN khởi nghiệp; Thứ ba, có một hệ thống tài chính, cơ chế tài chính để dẫn vốn cho các DN khởi nghiệp (quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần…); Thứ tư, xây dựng khung pháp lý cho khởi nghiệp để DN mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp; Thứ năm, cơ sở hạ tầng cho khởi nghiệp cần hoàn thiện.
Với bài phát biểu tham luận, bà Loreen Weintraub – Tổng Giám đốc điều hành Khu vực Đông Nam Á Tập đoàn ORCA cho biết, Tập đoàn ORCA đã hoạt động ở Việt Nam được hơn 7 năm và làm trong một số lĩnh vực trong đó có nông nghiệp: café, nhà kính, dệt vải. ORCA luôn trăn trở với câu hỏi: Tại sao Israel lại là nước khởi nghiệp tốt? Bà Loreen Weintraub nhấn mạnh Israel coi nông nghiệp là văn hoá và cho biết: “Cách đây 20 năm chúng tôi hiểu phát triển nông nghiệp phải đảm bảo 4 yếu tố: gắn liền với môi trường, công nghệ cao, công nghệ sinh học và nghiên cứu phát triển”. Theo bà Loreen Weintraub, bí quyết để khởi nghiệp thành công là: (1) Bắt đầu với quy mô nhỏ, nghĩ lớn, nghĩ toàn cầu, tăng trưởng nhanh; (2) Đầu tư vào con người - không chỉ tập trung vào ý tưởng, bởi vì người khởi nghiệp có khát khao cháy bỏng dẫn đầu (có thể nhìn vào mắt họ) thì dù có thất bại với ý tưởng này thì họ sẽ lại nghĩ ra một ý tưởng khác. Kinh nghiệm thành công của Israel khởi nghiệp trong nông nghiệp là hợp tác và trao đổi thường xuyên giữa 4 bên: nhà canh tác (nhà nông) – nhà khoa học – Nhà nước – nhà doanh nghiệp, trong đó phải xuất phát từ nhà canh tác.
Trong phần thảo luận, cựu sinh viên Giàng A Dạy phát biểu giới thiệu là cựu sinh viên Trường Đại học Tây Bắc, là người dân tộc H’Mông, đã từng tham gia chương trình tu nghiệp sinh tại Israel và khi trở về quê hương đã bắt đầu khởi nghiệp được 4 tháng và xuất bán ra thị trường được khoảng 2 tấn rau sạch trồng theo công nghệ Israel, đồng thời cũng nêu lên những khó khăn trong khởi nghiệp như số vốn nhỏ nên chưa thể đầu tư mở rộng áp dụng công nghệ với quy mô lớn, thiếu nước tưới tiêu tại bản làng người H’Mông, khả năng tiếp cận thị trường… Ban Tổ chức đã giới thiệu Quỹ đầu tư của Phần Lan và Trung tâm Xúc tiến sản phẩm nông nghiệp. Phát biểu của Giàng A Dạy đã thu hút được sự quan tâm của các phóng viên báo, đài mời phỏng vấn riêng. Ở góc độ giáo dục, ông Hoàng Xuân Trọng- Trường ĐH Tây Bắc đề xuất kiến nghị để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tốt. Theo đó, Ban Tổ chức Chương trình Khởi nghiệp quốc gia nên chuẩn hóa giáo trình khởi nghiệp với những tiêu chí nhất định và nên chuẩn hóa, nhân rộng đội ngũ cán bộ giảng dạy về khởi nghiệp. Bởi họ là những người trực tiếp hình thành và tác động đến nhận thức về khởi nghiệp cho giới trẻ, cần có những điều kiện khắt khe và yêu cầu có chứng chỉ về giảng dạy khởi nghiệp cho các cán bộ này.