HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM TỔ CHỨC TOẠ ĐÀM VÀ GẶP MẶT VĂN NGHỆ SỸ KHU VỰC TÂY BẮC

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Sáng ngày 30/11/2016, tại Khách sạn Sơn La, thành phố Sơn La, Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức buổi toạ đàm và gặp mặt văn nghệ sỹ khu vực Tây Bắc. Mục đích của buổi toạ đàm là lấy ý kiến đóng góp của những người hoạt động văn hoá, các văn nghệ sỹ cho Hội thảo toàn quốc về chủ đề “Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy văn hoá cổ truyền các dân tộc thiểu số Việt Nam” sắp tới do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt nam tổ chức.

Tới dự có Nhà văn Tùng Điển, Phó Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuât Việt Nam. Về phía Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt nam có Nhạc sỹ, tiến sỹ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội cùng các đồng chí Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Hội tại khu vực Tây Bắc. Các đồng chí lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật các Tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà bình, các Chi Hội trưởng và một số hội viên trong khu vực. Về phía tỉnh Sơn La, có đồng chí Lò Minh Hiến, phó trưởng ban tuyên giáo Tỉnh uỷ đến dự và tham gia chỉ đạo buổi toạ đàm; Đồng chí Trần Đại Tạo, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh cùng toàn thể Chi hội Văn học Nhệ thuật các dân tộc thiểu số Tỉnh đến dự.

Sau các tiết mục văn nghệ mang đậm chất dân tộc thiểu số Tây Bắc, do các nghệ sỹ và diễn viên của Trung tâm Văn hoá Tỉnh dàn dựng và biểu diễn, Nhạc sỹ Nông Quốc Bình đã phát biểu, khai mạc và chủ trì cuộc toạ đàm. Đồng chí đã nhấn mạnh đến vai trò, vị trí của văn hoá nói chung, của văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số nói riêng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước, trong việc giáo dục, rèn luyện con người mới xã hội chủ nghĩa, giúp Đảng và Nhà nước xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong xu thế Hội nhập ngày nay.

Các văn nghệ sỹ sôi nổi phát biểu ý kiến, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và cả những bức xúc trong cuộc sống, trong sáng tác. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, cuộc sống của nhân dân Tây Bắc nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng đã phát triển, đời sống tinh thần có nhiều đổi mới. Ở Tây Bắc, về đời sống tinh thần, có những, địa phương, bản làng sầm uất có thể sánh ngang với miền xuôi và những thành phố lớn. Văn hoá, văn nghệ quần chúng đặc biệt phát triển, hàng nghìn đội văn nghệ quần chúng được thành lập, duy trì tập luện và biểu diễn tại các thôn bản. Những làn điệu dân ca, những điệu múa dân tộc, những tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian được sưu tầm, phục dựng, phổ biến dưới sự tài trợ kinh phí của địa phương và trung ương. Những làng văn hoá, khu du lịch được đầu tư xây dựng thu hút hàng triệu lượt khách du lịch… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu phát triển, có nhiều hạn chế gây bức xúc trong đời sống tinh thần của đồng bào thiểu số. Đó là văn hoá bản địa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng đang chịu nhiều sức ép của cơ chế thị trường, của sự bùng nổ thông tin, của sự phát triển ồ ạt các phương tiện vui chơi giải trí, của những tệ nạn xã hội luôn rình rập cuộc sống của con em… Nhiều điệu múa cổ, nhiều làn điệu dân ca, nhiều tác phẩm văn học dân gian có nguy cơ biến mất; nhiều di tích văn hoá, thắng cảnh thiên nhiên, nhiều phong tục tập quán, lối sống tốt đẹp đang bị  xâm phạn và mai một…Các văn nghệ sỹ cũng đưa ra bàn luận những giải pháp trước mắt và lâu dài để bảo tồn, phát huy văn hoá cổ truyền các dân tộc thiểu số Vùng Tây Bắc.

Buổi toạ đàm diễn ra trong không khí cởi mở, thân mật. Có tới 15 ý kiến của các văn nghệ sỹ được trao đổi, thảo luận. Đôi lúc chủ toạ đã phải lưu ý người phát biểu về thời gian và chủ đề. Ý kiến sau cùng của nhà văn Tùng Điển và ý kiến kết luận của nhạc sỹ Nông Quốc Bình như một sự định hướng cho việc chỉ ra thực trạng và các giải pháp của vấn đề bảo tồn, phát huy văn hoá cổ truyền các dân tộc thiểu số Việt Nam. Các ý kiến cũng chỉ ra rằng: ngoài trách nhiệm nặng nề của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương thì vai trò của các văn nghệ sỹ là hết sức quan trọng. Bởi lẽ hơn ai hết họ là những người hiểu rõ về văn hoá cổ truyền của dân tộc, họ phải vừa là những nghệ sỹ bảo tồn và sáng tạo, vừa là những nghệ nhân truyền dạy cho các thế hệ con cháu mai sau.