GS.TSKH TRẦN NGỌC THÊM NÓI VỀ “BÍ ẨN TÍNH CÁCH NGƯỜI VIỆT” TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Nhận lời mời của Khoa Ngữ văn, sáng ngày 07/11/2016, tại Hội trường A1 Trường Đại học Tây Bắc đã diễn ra buổi nói chuyện của GS. TSKH Trần Ngọc Thêm về “Bí ẩn tính cách người Việt”.     

Về phía Trường Đại học Tây Bắc, tham dự buổi nói chuyện có TS. Nguyễn Văn Bao, Hiệu trưởng Nhà trường và Ban Giám hiệu; Có lãnh đạo của các đơn vị như Khoa Sử - Địa, Khoa Tiểu học - Mầm non; Phòng Đào tạo Đại học, Phòng Tổ chức Cán bộ; Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa các Dân tộc Tây Bắc; Giảng viên, sinh viên Khoa Ngữ văn. Ngoài ra buổi nói chuyện còn thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học đến từ Viện Ngôn ngữ thuộc Học viện Khoa học Xã hội; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.    

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm là một nhà khoa học lớn về văn hóa và ngôn ngữ Việt. Ông bảo vệ Luận án Tiến sĩ tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Lêningrad năm 1987, chuyên ngành Ngôn ngữ Toán. Vào cuối năm 1988, được sự cho phép của Hội đồng học vị tối cao Liên Xô, ông đã  bảo vệ lại thành công chính luận án này và lấy học vị Tiến sĩ Khoa học - một học vị danh giá nhất. Tháng 11 năm 1999, ông được bầu làm Viện sĩ nước ngoài Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên Nga. GS. TSKH Trần Ngọc Thêm nguyên là Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương. Hiện nay, ông đảm nhiệm cương vị Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Ngành Ngôn ngữ học, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

GS. TSKH Trần Ngọc Thêm là tác giả của nhiều công trình về ngôn ngữ và văn hóa như: Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt(1985); Cơ sở văn hóa Việt Nam (1995); Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (1996); Văn hóa học và văn hóa Việt Nam (2003); Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng (2013); Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ (2013); Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai (2016). Các công trình nghiên cứu của ông luôn được đánh giá cao, nhiều công trình được chọn làm giáo trình đào tạo ở bậc đại học, sau đại học và được xuất bản, tái bản nhiều lần. Riêng công trình Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Trung.

Chủ đề buổi nói chuyện của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm tại Trường Đại học Tây Bắc là Bí ẩn tính cách người Việt. Đây là một đề tài rộng lớn và phức tạp vì tính cách của một cá nhân hay một dân tộc là tổng thể nói chung những đặc điểm tâm lí ổn định, được biểu hiện trong cách cư xử với tự nhiên, xã hội. Tính cách của người Việt là những đặc điểm tâm lí được hình thành trong chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, nó không phải là một hằng số bất biến mà luôn biến thiên cùng với sự biến thiên của thời gian và không gian. Bằng cách tiếp cận vấn đề dựa trên hai quan điểm đồng đại và lịch đại, cùng với cách phân tích khoa học, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đã khái quát có 5 đặc điểm nổi bật của tính cách người Việt. Thứ nhất là tính cộng đồng làng xã với hệ giá trị như tinh thần tập thể, tình đoàn kết, lòng biết ơn, tính dân chủ làng xã, tính trọng thể diện. Thứ hai là tính trọng âm với hệ giá trị là tính ưa ổn định, tính hiếu hòa bao dung, tính trọng tình đa cảm, tính coi trọng phụ nữ, tính chịu đựng nhẫn nhịn, lòng hiếu khách. Thứ ba là tính ưa hài hòa với hệ giá trị là tính quân bình âm dương (cặp đôi); tính mực thước; tính lạc quan vui vẻ ; tính ung dung; thiết thực. Thứ tư là tính kết hợp với hệ giá trị là khả năng bao quát tốt; khả năng quan hệ tốt. Thứ năm là tính linh hoạt với hệ giá trị là khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh; tính sáng tạo, biến báo. Những đặc điểm của tính cách người Việt đã hình thành nên những giá trị tổng hợp như lòng yêu nước và tinh thần dân tộc; lòng nhân ái; sự cần cù, hiếu học,…Bên cạnh đó, những phi giá trị nảy sinh trong tính cách người Việt cũng được GS.TSKH Trần Ngọc Thêm chỉ ra như thói khôn vặt, láu cá; thói tùy tiện, cẩu thả; thói chủ quan, kiêu ngạo; thói sùng ngoại; dĩ hòa vi quý,… Đây là những thói hư tật xấu cần được người Việt ý thức để loại bỏ ra khỏi cuộc sống của mình nhất là trong xu thế hiện nay khi Việt Nam đang hợp tác ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới.   

Có thể nói với quan điểm phân tích toàn diện, sâu sắc cùng những dẫn chứng minh họa sinh động, bài nói chuyện của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đã thuyết phục người nghe và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với thầy và trò Trường Đại học Tây Bắc. Cảm nhận chung của mọi người sau khi tham dự buổi nói chuyện là ai cũng có thể tự rút ra được một bài học đầy ý nghĩa cho riêng mình để sống, lao động và học tập tốt hơn.   

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI BUỔI NÓI CHUYỆN