Học chữ và tiếng Thái để làm gì? Đó là câu mà nhiều người đã hỏi tôi. Trong số đó có cả người thân, bạn bè và sinh viên; cả người Thái và những người thuộc dân tộc khác. Tôi băn khoăn và cũng tự đặt câu hỏi đó với chính bản thân mình. Học chữ và tiếng Thái để làm gì? Được Nhà trường giao nhiệm vụ công tác tại Trung tâm Nghiên cứu văn hóa các dân tộc Tây Bắc tôi càng trăn trở vì trường Đại học Tây Bắc đóng trên địa bàn tỉnh Sơn La, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ có trình độ cao cho khu vực Tây Bắc. Ở Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng người Thái chiếm đa số. Tôi thiết nghĩ muốn hiểu truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc nào thì trước hết phải biết tiếng nói và đặc biệt là chữ viết của dân tộc đó. Từ đó chúng ta mới có thể đi xa hơn trong việc nghiên cứu phong tục tập quán và gìn giữ truyền thống văn hóa của họ.
Tháng 5 năm 2016, trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Sơn La thông báo mở lớp dạy chữ và tiếng Thái tôi đã đăng ký tham gia học tập, với mục đích học để biết, để có điều kiện nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, truyền thống văn hóa của người Thái, văn hóa của chính bản thân, dân tộc mình vì tôi là người Thái. Cô giáo giảng dạy cũng có phương pháp tốt và tạo điều kiện giúp đỡ tôi, nên càng học tôi càng say mê.
Kết thúc khóa học tôi cũng đã biết đọc, biết viết và hiểu được giá trị và ý nghĩa của việc tham gia khóa học. Trở lại câu hỏi học chữ và tiếng Thái để làm gì? Bây giờ đã rõ, học chữ và tiếng Thái để hiểu biết văn hóa của tộc người Thái, biết được phong tục tập quán, bản sắc văn hóa truyền thống của người Thái, có trách nhiệm nghiên cứu bảo tồn và gìn giữ bản sắc truyền thống văn hóa của dân tộc Thái. Tuy nhiên để đọc được, nghiên cứu được các văn bản cổ, viết bằng chữ thái cổ vẫn còn là điều vất vả gian nan. Phải kiên trì tiếp tục học tập, nghiên cứu và có đủ thời gian nhất định.
Trong chương trình khóa học ngoài học để biết chữ, ghép vần, từ mới còn có các chủ đề cụ thể và rất khái quát liên quan đến đời sống cộng đồng người Thái, như các chủ đề:
- Về gia đình dòng họ người Thái
- Về bản mường người Thái
- Về đất đai, rừng núi và nơi sinh sống người Thái
- Về văn hóa người Thái
- Đất nước Việt Nam và các nước láng giềng
- Người Thái nhớ ơn Đảng và Bác Hồ
- Về lao động sản xuất và làm giàu phát triển
- Về học hành người Thái
- Về chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường
- Về giữ gìn, bảo vệ biên giới quê hương đất nước…
Đặc biệt hơn nữa ngày 10 tháng 03 năm 2016, bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã công nhận chữ Thái cổ của Sơn la là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cho nên tôi càng thấy trách nhiệm cao cả của mình là phải tiếp tục học tập tìm hiểu, nghiên cứu truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của người Thái nhằm bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc Thái mà hàng ngàn năm đã được các thế hệ cha ông vun đắp gìn giữ.
Hiện nay văn hóa các dân tộc Việt Nam đang biến đổi, phát triển cùng với sự phát triển của đất nước và đang có sự đan xen hòa đồng trong dòng chảy của cuộc sống trong quá trình hội nhập. Cho nên để giữ gìn được nét đặc trưng văn hóa của từng tộc người riêng có càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Mong sao việc học tiếng và chữ Thái sẽ được các ngành các cấp và nhiều người cùng quan tâm.