XÂY DỰNG TINH THẦN KHỞI NGHIỆP MẠNH MẼ ĐỂ KHỞI NGHIỆP THÀNH CÔNG

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Chương trình Khởi nghiệp do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp khởi xướng, được sự bảo trợ, chủ trì của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI), sự phối hợp triển khai của Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục Và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các địa phương trên cả nước để tạo cơ hội cho thanh niên và sinh viên lập ra những dự án khởi nghiệp có giá trị thực tiễn, nêu cao tinh thần tự tôn và ý thức tự trọng vì một đất nước phồn vinh.

Khởi nghiệp “Là quá trình tự bản thân bạn hoặc một nhóm bạn, nhóm người hợp tác cùng nhau thành lập một công ty hay kinh doanh một sản phẩm dịch vụ nào đó dựa trên những ý tưởng kinh doanh”. Khởi nghiệp, hiểu rộng ra cũng mang tính làtự tạo ra việc làm cho mình và cho mọi người. Vì vậy, Khởi nghiệp không phải bây giờ mới có mà nó đã có từ ngàn xưa. Chỉ có điều, trong lịch sử nhân loại, do những quan niệm, do những điều kiện nhất định mà khởi nghiệp chưa trở thành nhu cầu bức thiết và vì vậy chưa trở thành phong trào để lưu dấu ấn mạnh mẽ trong lịch sử. Ngày nay, trong thế giới phẳng của toàn cầu hóa, sự cạnh tranh để phát triển ngày càng mạnh mẽ. Khoa học công nghệ phát triển như vũ bão. Những tiến bộ của khoa học kĩ thuật đã tạo cho con người nhiều sản phẩm giá trị, giúp con người có cuộc sống ngày càng chất lượng. Sự trợ giúp của kỹ thuật giúp con người ngày một “nhàn”hơn. Và như vậy cũng đồng nghĩa với việc con người bị mất đi nhiều việc làm hơn. Trong khi đòi hỏi của cuộc sống ngày càng cao, nhu cầu của con người ngày càng nhiều, việc làm giàu trở thành khát vọng mạnh mẽ… thì việc làm cho mọi người lại ngày càng khó khăn. Cạnh tranh việc làm không chỉ có các lao động ở trong nước mà còn có nhự cạnh tranh quyết liệt của lao động quốc tế, của kỹ thuật (rô bốt thay thế nhiều vị trí việc làm)… Vì vậy, việc tự tạo ra việc làm cho mình, cho mọi người, nói cách khác việc khởi nghiệp không lúc nào cấp thiết như lúc này. Phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ cũng đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều việc làm, đồng nghĩa với việc tăng cao thu nhập cho cá nhân, cho tập thể và cho đất nước, đồng thời khuyến khích sáng tạo, nuôi dưỡng ý tưởng….để cuối cùng có nhiều doanh nghiệp. Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh chỉ có được khi đất nước có nhiều doanh nghiệp phát triển. Khởi nghiệp lúc đầu là tạo việc làm cho mình, sau là cho mọi người. Khi việc làm cần số đông, lúc đó tạo thành các doanh nghiệp. Doanh nghiệp càng nhiều việc làm càng tạo nhiều thu nhập, càng đóng góp nhiều cho sự phát triển của đất nước.

       

NGƯT.TS. Nguyễn Văn Bao - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại diễn đàn  (Nguồn: http://enternews.vn)

Với những nguyên do như vậy nên thế giới ngày nay đang bùng nên tinh thần khởi nghiệp và rất mạnh mẽ ở các quốc gia phát triển. Các quốc gia như Israel, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc….đều khuyến khích mạnh mẽ mọi tầng lớp tham gia khởi nghiệp.  Các quốc gia này đều có những chiến lược và đầu tư mạnh mẽ cho phong trào khởi nghiệp. Ở đó chính phủ, các tổ chức, các doanh nghiệp đều dành những ưu tiên quan trọng cho việc phát triển tinh thần khởi nghiệp và họ đặc biệtchú ý tới các trường học kể cả phổ thông và đại học vì nhà trường chính là nơi đào tạo các chủ nhân tương lai của xã hội. Với tinh thần dám nghĩ dám làm như vậy nên Isarael, Nhật Bản, Singpore… giờ đã là những cường quốc kinh tế của thế giới. Mọi người dân đều tự giác tham gia khởi nghiệp, kiên trì đeo đuổi mục đích làm giàu, mục đích cống hiến. Lao động trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc với họ. Đóng góp cho đất nước là nghĩa vụ và  là vinh dự với mọi người. Chính từ những lý do này mà tinh thần sáng tạo luôn thường trực, luôn là động cơ phấn đấu của mỗi người.

Đảng và Nhà nước ta đã tạo mọi điều kiện, khuyến khích mọi thành phần tham gia làm kinh tế. Các doanh nhân được tôn vinh. Tinh thần khởi nghiệp được phát động, khuyến khích, được tạo mọi điều kiện phát triển. Luật Doanh nghiệp đã ra đời. Ngày 13 tháng 10, ngày Bác Hồ gửi thư cho Công thương Việt Nam được chọn làm “Ngày Doanh nhân” hàng năm.  Năm 2016 được Chính phủ chọn là năm Quốc gia Khởi nghiệp. Diễn đàn Khởi nghiệp được tổ chức khắp các vùng miền để một mặt đem đến nhận thức cho mọi người về khởi nghiệp, hướng dẫn mọi người biết cách tạo ra việc làm, những điều kiện để bước vào khởi nghiệp. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì ở Việt nam có tới 67,2% người mong muốn khởi nghiệp. Tỉ lệ này khá cao so với nhiều nước. Đây là một tín hiệu đáng mừng.

Khởi nghiệp là câu hỏi luôn đặt ra với mọi người, với mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt là với tuổi trẻ. Tuổi trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước. Tuổi trẻ có nhiều khát vọng, có sức khỏe, nhiệt huyết. Tuổi trẻ tự tạo ra việc làm cũng có nghĩa họ sẽ có nhiều đóng góp cho xã hội. Tuổi trẻ mà làm việc thì hiệu suất cao, sức cống hiến dài…

Trường học là nơi học việc của tuổi trẻ, vì vậy trường học là môi trường quan trọng để gieo tinh thần khởi nghiệp. Nhiều trường học của các nước phát triển có tinh thần khởi nghiệp rất cao. Trường Đại học To-ky-ô Nhật Bản có tới 240 doanh nghiệp lớn. Số vốn các doanh nghiệp của họ đăng ký trên sàn chứng khoán lên tới hơn 8 tỉ USD. Ở Việt Nam, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh… là những trường tiên phong và có phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ.

Sơn La là một tỉnh nằm trung tâm của vùng Tây Bắc, đất rộng, màu mỡ, dân cư khá đông. Sơn La có nhiều thế mạnh về thủy điện, chăn nuôi, trồng trọt, khai thác chế biến nông, lâm sản… Sơn La là địa chỉ thuận lợi vô cùng cho khởi nghiệp. Trong mấy năm gần đây, số doanh nghiệp của Sơn La tăng nhanh. Vì vậy, sự đóng góp của các doanh nghiệp cho Sơn La cũng từng bước tăng mạnh, giúp cho ngân sách của tỉnh có mức tăng trưởng khá. Có thể nói, Sơn La đang hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngòai tỉnh, ngoài nước. Tuy nhiên, hiện tại, Sơn La vẫn còn rất ít doanh nghiệp. Số doanh nghiệp chủ yếu thuộc lĩnh vực xây dựng, khai thác. Gần đây đã có nhiều doanh nghiệp phát triển trên thế mạnh của tỉnh như chăn nuôi bò sữa, trồng và chế biến chè, café, mía đường, nuôi thả cá trên lòng hồ thủy điện Sơn La…trồng nhiều giống cây ăn quả như bơ, xoài, mận, hồng ròn,nhiều hợp tác xã trồng hoa xuất khẩu, trồng rau sạch…Nhưng nhìn chung so với các địa phương đi đầu thì Sơn La còn rất khiêm tốn. Tỉnh luôn quan tâm và mong muốn có nhiều doanh nghiệp ra đời. Vì vậy tỉnh đã có các chính sách đối với các doanh nghiệp để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển.

Tuổi trẻ cũng như nhà trường có vai trò rất quan trọng với phong trào khởi nghiệp. Nhà trường là một thành tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Giáo dục và đào tạo cung cấp kiến thức, kỹ năng tổ chức, trải nghiệm, nghiên cứu, truyền đạt các kinh nghiệm sáng tạo, khơi gợi các ý tưởng sản xuất, kinh doanh… Do vậy, các trường học cả phổ thông lẫn đại học đều là nơi được quan tâm để phát động tinh thần khởi nghiệp. Nhiều trường đã làm rất tốt không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn khuyến khích tạo điều kiện để học sinh, sinh viên hình thành, thử nghiệm nhiều hình thức tập sự kinh doanh như lập chiến lược kinh doanh, mô hình kinh doanh, quản trị nhân sự, kĩ năng làm việc nhóm… Nhiều trường đã tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp để học sinh, sinh viên thực hiện ý tưởng của mình.

     

Cựu sinh viên La Văn Phong - một trong những doanh nhân trẻ khởi nghiệp thành cônghttp://enternews.vn) 

Tuy nhiên, để khởi nghiệp thành công chúng ta cần biết và chú ý:

       - Thứ nhất: Cần mạnh mẽ đề xuất ý tưởng, mạnh dạn ước mơ. Ước mơ làm động lực cho ta hành động. Ước mơ có thể cho ta nhiều ý tưởng. Người ta nói không ai cấm ước mơ. Chúng ta có thể không ước mơ trở thành Bill gater, Buffet, hay Jackma, nhưng chúng ta có thể hoàn toàn mơ trở thành những Hai Lúa với những sáng tiến cải tiến phục vụ đời sống nhân sinh…

        - Thứ hai: Không được nản lòng khi thất bại, bởi vì thất bại luôn xuất hiện với công việc mới, nhất là với công việc kinh doanh ban đầu. Mà thất bại trong kinh doanh luôn gắn với tiền của, công sức, tâm huyết của bạn nên dễ làm bạn nản lòng. Kiên trì nhẫn lại để phân tích rút kinh nghiệm thất bại để tìm con đường mới thành công là một phẩm chất của doanh nhân. Chung sức chung lòng, tin tưởng nhau trong công việc, đặc biệt là với những người cùng ý tưởng, những người cộng sự. Chỉ có tin tưởng nhau mới cùng nhau chia sẻ, cùng nhau trao đổi để tìm ra những ý tưởng tốt nhất. Trung thực, thẳng thắn nhưng phải cởi mở mới cùng nhau tạo ra sức mạnh chiến thắng.

        -Thứ ba: Phải luôn đặt quan hệ lên hàng đầu. “Buôn có bạn, bán có phường”. Quan hệ để hiểu biết, nắm bắt thông tin, để trao đổi, hỗ trợ cho nhau… Trong quan hệ, chữ “Tín” luôn đặt lên hàng đầu. Chỉ có tin tưởng lẫn nhau mới bình đẳng để giúp đỡ nhau, để quan hệ bền vững.

       - Thứ tư: Phải luôn sát thực tiễn. Thực tiễn là bài học sinh động để nhận ra thành công và thất bại…

       - Thứ năm: Luôn biết quản lý nhân sự một cách khoa học. Luôn tôn trọng nhân sự, đồng thời biết khuyến khích mọi người làm việc, mọi người sáng tạo. Luôn tạo niềm tin cho mọi người để họ coi doanh nghiệp là nhà, người quản lý là chỗ dựa vững chắc.

        - Thứ sáu: Luôn tuân thủ pháp luật. “Người tự do nhất là người luôn tuân thủ pháp luật”. Tuân thủ pháp luật giúp ta tự tin trong kinh doanh, đồng thời luôn là sự bảo vệ hiệu quả nhất cho mình, cho doanh nghiệp, và cho khách hàng của mình.

Năm nay đã là năm thứ 14 của Chương trình Khởi nghiệp, năm nay lại là năm Chính phủ phát động Chương trình Quốc gia Khởi nghiệp Vì vậy, Diễn đàn Khởi nghiệp được tổ chức ở Trường Đại học Tây Bắc cho các tỉnh Tây Bắc hết sức ý nghĩa. Chắc chắn Diễn đàn sẽ đem đến không chỉ là sự hiểu biết về khởi nghiệp mà còn đem đến sự khích lệ mạnh mẽ tinh thần Khởi nghiệp không chỉ cho thanh niên, sinh viên các tỉnh Tây Bắc mà còn cho các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân Tây Bắc. Tin tưởng sau Diễn đàn, Tây Bắc sẽ mạnh mẽ Khởi nghiệp để  biến vùng đất đầy tiềm năng thức dậy làm giàu cho mọi người, cho quê hương, cho đất nước.