GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH, GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC VỀ KH VÀ CN ĐỢT 5: NHIỀU CÔNG TRÌNH CÓ GIÁ TRỊ, ĐÓNG GÓP TO LỚN CHO ĐẤT NƯỚC

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Trước thềm lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đợt 5 sắp diễn ra, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với GS, VS NGUYỄN VĂN HIỆU, (trong ảnh) Phó Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng giải thưởng, nguyên Viện trưởng Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, về giải thưởng năm nay.

Phóng viên (PV): Giáo sư có nhận xét gì về những công trình đoạt giải lần này?

GS, VS Nguyễn Văn Hiệu: Tôi có may mắn được tham gia vào Hội đồng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH và CN. Đây là sự kiện lớn trong đời sống, hoạt động KH và CN ở đất nước ta. Việc nhận Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh là mục tiêu phấn đấu của nhiều tập thể, cá nhân, của các nhà khoa học. Những công trình đoạt giải hết sức xứng đáng, thể hiện diện mạo khoa học của đất nước trong những năm qua, tác động lớn đến đời sống xã hội, KH và CN của nước nhà. Những công trình, cụm công trình được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH và CN là những công trình khoa học đặc biệt xuất sắc hoặc rất xuất sắc, có đóng góp lớn lao vào sự phát triển kinh tế - xã hội, KH và CN, bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh - quốc phòng.
PV: So với đợt trước số lượng công trình đoạt Giải thưởng Nhà nước năm nay ít hơn. Theo GS, nguyên nhân là do đâu?
GS, VS Nguyễn Văn Hiệu: Có nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi trong đó một phần quan trọng là sự chuẩn bị hồ sơ công trình từ cấp cơ sở trở lên cho đến cấp chuyên ngành chưa được chu đáo. Hội đồng chuyên ngành nào chuẩn bị hồ sơ chu đáo, đầy đủ thì gần như được công nhận hết, còn hội đồng nào chưa tập hợp đủ thông tin cần thiết, hồ sơ sơ sài thì không đạt được số phiếu cao. Là một thành viên thường trực của Hội đồng cấp Nhà nước, tôi không chỉ tham khảo kết quả thảo luận của các hội đồng chuyên ngành, mà còn đọc kỹ những hồ sơ của các công trình.
Quả thật năm nay số lượng Giải thưởng Nhà nước ít hơn so với các đợt trước. Điều đó có nguyên nhân chính là công tác nghiên cứu khoa học trong nhiều lĩnh vực chưa đạt được chất lượng cao như các thành viên hội đồng đòi hỏi. Dù sao đi nữa thì kết quả bỏ phiếu tại hội đồng cũng làm cho các nhà quản lý suy nghĩ tìm cách nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực không có giải thưởng. Trong thời đại hội nhập, phải quyết tâm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học.
PV: Thưa GS, năm 2016, từ 61 công trình được Hội đồng chuyên ngành đề cử chỉ có 16 công trình được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH và CN, có phải do Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng giải thưởng bình xét quá chặt chẽ hay không? 
GS, VS Nguyễn Văn Hiệu: Không chỉ riêng năm nay mà năm nào Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng giải thưởng cũng làm việc rất chặt chẽ, mà việc chặt chẽ này là đúng. Các thành viên hội đồng đều có trách nhiệm rất cao và khi đã bỏ lá phiếu của mình thì đều tin tưởng tuyệt đối vào công trình đó. 
PV: Trong số 16 công trình được xét trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước trong đợt này có tám công trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn và y tế. Giáo sư đánh giá thế nào về hai lĩnh vực này?
GS, VS Nguyễn Văn Hiệu: Tất cả các hội đồng chuyên ngành đều đánh giá các công trình thuộc hai lĩnh vực này là rất xuất sắc. Tiêu chí của Hội đồng là phải đạt hơn 90% số phiếu của thành viên hội đồng thì công trình - cụm công trình mới được xét duyệt. Nhiều công trình thuộc hai lĩnh vực y tế và khoa học xã hội nhân văn đạt 100% số phiếu của cả hai hội đồng, thí dụ như các cụm công trình y học: Nghiên cứu ứng dụng KH và CN nhằm bảo đảm an toàn truyền máu do GS Nguyễn Anh Trí chủ trì; Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạch do GS Phạm Minh Thông chủ trì; Ứng dụng bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư và một số bệnh khác do GS Mai Trọng Khoa chủ trì, hay như cụm công trình về lịch sử và văn hóa Việt Nam của GS Phan Huy Lê, cụm công trình về Ngữ dụng học của GS Đỗ Hữu Châu.
PV: GS đánh giá như thế nào về hiệu quả, tính ứng dụng của những công trình được trao giải lần này? 
GS, VS Nguyễn Văn Hiệu: Xem danh sách tham dự giải thưởng thì các công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản rất ít, số lượng công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực ứng dụng khá nhiều, trong đó có những công trình nghiên cứu ứng dụng xuất sắc, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao như công trình: Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90 m nước của tập thể tác giả thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hoặc cụm công trình xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị nông thôn bảo vệ môi trường phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu của KS Hoàng Đức Thảo. 
PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Từ hơn 100 đề cử, Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH và CN đã chọn ra chín công trình xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và bảy công trình xét tặng Giải thưởng Nhà nước về KH và CN đợt 5-2016. Giải thưởng là sự ghi nhận của Nhà nước đối với những người làm khoa học có công trình tiêu biểu, có giá trị cao về KH và CN, ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài trong đời sống xã hội.

HẠNH NGUYÊN (ghi)