Ngày 05/8/2016, Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016, triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hà Nội và trực tuyến với các tỉnh trong cả nước. Hội nghị đã đánh giá nghiêm túc việc thực hiện các nhiệm vụ năm học 2015-2016, đồng thời cũng nêu phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cùng những giải pháp thực hiện của năm học 2016-2017 cho toàn ngành.
Trong đánh giá thực hiện nhiệm vụ năm học 2015-2016, báo cáo đã nêu bật những thành tựu như “việc đổi mới hoạt động dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá các hoạt động giáo dục có chuyển biến tích cực”; “Đổi mới mô hình dạy học theo hướng mở, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”, “đa dạng hóa các hình thức, phương pháp dạy học, tăng cường trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học…”; “Triển khai đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá…”; “Đổi mới cơ chế quản lý theo hướng tăng cường phân cấp và giao quyền tự chủ, tăng cường quản lý chất lượng và hiệu quả giáo dục”; chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục…”; quan tâm đầu tư cơ sở trang thiết bị, ưu tiên tài chính… Bên cạnh đó là những hạn chế, yếu kém như “Công tác xây dựng và thực hiện chính sách còn nhiều bất cập; công tác quản lý và chỉ đạo, điều hành hiệu lực, hiệu quả chưa cao”; “Công tác quy hoạch hệ thống, phát triển đội ngũ…, dạy và học ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tự chủ, hội nhập quốc tế, phát triển cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế”; “ Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống chưa được quan tâm đúng mức, công tác truyền thông giáo dục chưa tốt”
Trong phương hướng năm học 2016-2017, báo cáo nêu bật: “Tăng cường kỉ cương, nề nếp trong các cơ sở giáo dục…”. Riêng với Giáo dục đại học chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, giảm tỉ lệ thất nghiệp”; “Thực hiện đồng bộ ba nội dung về quy hoạch mạng lưới, tự chủ đại học và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế…. Đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng bao gồm cả cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo”.
Để thực hiện tốt phương hướng trên, báo cáo đã nêu những nhiệm vụ và những giải pháp chủ yếu là: “Rà soát quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục”; “Nâng cao chất lượng, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý…”Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh…”; “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục”; “Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học”; “Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo”; “Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”; “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao”. Các giải pháp chính yếu là: “Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo”; “Nâng cao năng lực quản lý của cán bộ quản lý giáo dục các cấp”; “Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo”; “Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục”; “Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo”.
Từ những nhận định đánh giá năm học 2015-2016 cũng như những phương hướng, nhiệm vụ, những giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm học 2016-2017 của toàn ngành, đối chiếu vào những hoạt động của Trường Đại học Tây Bắc, chúng ta thấy:
PHẦN I - VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM HỌC 2015-2016
I. Những thành tựu
1. Công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ
1.1.Đổi mới mạnh mẽ hoạt động đào tạo theo hướng mở, hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
Đã ba năm qua, chúng ta mạnh mẽ đổi mới chương trình đào tạo theo hướng đào tạo theo tín chỉ. Năm học 2015-2016, chúng ta tiếp tục rà soát, xem xét chương trình để tìm ra những điểm chưa hợp lí, những phần chưa sát với triết lí đào tạo thực hành, sát với thực tiễn của từng ngành học. Chúng ta đã cho cán bộ, giảng viên, sinh viên thấy được tính tích cực của đào tạo theo tín chỉ, giúp sinh viên chủ động tìm hiểu chương trình, tự lập kế hoạch học tập, chủ động đăng kí phần học từng kì. Trường đã tăng cường viết giáo trình cho phù hợp với thực tiễn dạy, học, trong đó tăng cường bổ sung chương trình dạy tiếng Anh cho các lớp chuyên và không chuyên, tăng cường số tiết cho hoạt động thực hành, thực tập, ngoại khóa…
1.2. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, mạnh mẽ đổi mới các phương pháp dạy và học, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tích cực đổi mới thi, kiểm tra
Tăng cường các mô hình đào tạo để phát huy tính chủ động, nâng cao năng lực của người học bằng việc khuyến khích giảng viên tìm hiểu thực tế như đi dự các giờ dạy ở phổ thông Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lai châu; tăng cường cho sinh viên đi thực tế như về Nông trường Mộc Châu, nơi nuôi cá lồng hồ Thủy điện Sơn La, thăm các địa phương Huế, Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La…; tăng cường semina, tổ chức các loại hình ngoại khóa để nâng cao các kĩ năng tổ chức hoạt động nhóm, nâng cao kĩ năng sống, kĩ năng làm việc…
Các đề tài khoa học đã bám sát các nghị quyết Đại hội Đảng của các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu,… đi sâu vào các đề tài sát thực tế sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản như Dự án nuôi, cho sinh sản các giống cá bản địa của hồ Thủy điện Sơn La; trồng cây đầu nguồn nước cho thành phố Sơn la; tìm kếm các giải pháp giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho sinh viên trong các trường chuyên nghiệp; dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh các vùng có tiềm năng du lịch…
Ngoài việc phối hợp với các trường đại học, với tỉnh Sơn La tổ chức tốt kì thi THPT quốc gia năm 2016, chúng ta đã đổi mới mạnh mẽ cách tổ chức thi các học phần theo hướng đánh giá năng lực toàn diện người học.
2. Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
2.1.Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lí
Trong năm học 2015-2016, Trường ta tiếp tục soạn thảo, chỉnh sửa các văn bản pháp quy để tăng cường các cơ sở pháp lý trong công tác điều hành, tăng cường tính dân chủ, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị, cá nhân. Soạn mới Quy chế tiếp dân, Quy chế hoạt động của Trường TH-THCS-THPT Chu Văn An; chỉnh sửa Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế tổ chức, hoạt động của các đơn vị, Quy chế thi đua, Quy định xếp loại công chức, viên chức…
Công tác cải cách hành chính được chú trọng. Trường quy định mỗi việc làm ít nhất có hai người biết thực hiện, mỗi một người thành thạo ít nhất từ hai công việc trở lên. Trường quy định giờ giấc tiếp dân, thái độ, phong cách trong giao dịch, quy định đồng mức hỗ trợ nghiên cứu sinh…
Tăng cường công tác kế hoạch và giao quyền tự chủ cho các đơn vị. Tài chính được phân và giao theo đầu công việc để các đơn vị chủ động.
2.2. Nâng cao trình độ cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy
Trong năm học qua, Nhà trường hoàn thiện Đề án vị trí việc làm và đã báo cáo Bộ. Trường tiếp tục chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy. Trường chỉ tuyển dụng người có trình độ thạc sỹ trở lên vào vị trí giảng dạy. Trường cử cán bộ quản lý đi học Lý luận cao cấp, tập huấn nghiệp vụ, tiếp thu các chủ trương đổi mới, tăng cường tham quan, học hỏi, tăng cường điều tra nghiên cứu thực tiễn phổ thông, thực tiễn sản xuất. Trường tiếp tục cử cán bộ đi đào tạo trình độ tiến sỹ ở trong nước và nước ngoài.
Ngoài việc nâng cao trình độ bằng cử đi đào tạo, Trường tạo các điều kiện để các cán bộ, giảng viên, sinh viên nghiên cứu khoa học. Hàng chục đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh được triển khai. Các dự án hợp tác với nước ngoài, với các viện, học viện, các trường đại học, với các tỉnh, huyện được thực hiện.
2.3. Cơ sở vật chất, thiết bị, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, đời sống cán bộ, giảng viên, sinh viên được quan tâm
Dự án nhóm A: Xây dựng và hoàn thiện Trường Đại học Tây Bắc tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. Hàng loạt công trình mới được đưa vào sử dụng như nhà Nông lâm I, Hội trường lớn sinh viên, Câu lạc bộ sinh viên, khởi công cụm Nhà học Khoa Y-Dược; giải phóng 1,1ha đất để xây dựng. Nhà ăn sinh viên được cải thiện… Hàng nghìn cây xanh được trồng mới và chăm sóc, hàng chục ghế đá được trang bị cho các khuôn viên, con đường,… tạo cảnh quan xanh, đẹp, tiện ích. An ninh trật tự được đảm bảo, vệ sinh môi trường sạch đẹp.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống được Nhà trường đặc biệt quan tâm. Ngoài những giờ giáo dục chính khóa, Trường còn tạo điều kiện để các đoàn thể, các đơn vị tổ chức các hoạt động để nâng cao tình yêu nước, yêu quê hương, yêu mái trường, yêu con người. Tinh thần tự tôn, ý thức tự trọng được thường xuyên nêu lên để các tập thể, cá nhân có ý thức tu luyện. Trường phối hợp với Học viện Biên phòng, Học viện Cảnh sát giao lưu, tuyên truyền về biển đảo, về luật pháp. Các đoàn thể tổ chức các hoạt động nâng cao kĩ năng sống, tham gia thi tìm hiểu luật pháp cấp tỉnh, cấp ngành, cấp khu vực phía Bắc… Phong trào học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh được triển khai mạnh mẽ…
3. Chất lượng làm việc, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ được nâng lên rõ rệt.
Năm học qua nhiều nhiệm vụ đã được toàn Trường thực hiện đạt kết quả cao, chất lượng tốt. Lễ kỉ niệm55 năm Thành lập Trường thành công tốt đẹp, vừa tình nghĩa, vừa khoa học, tiết kiệm…được đánh giá cao. Trường đã chủ trì tổ chức thành công kì thi THPTQG tại cụm thi số 21, được dư luận đánh giá chu đáo, chi tiết, khoa học. Đạo đức lối sống của sinh viên đã được nâng cao về tình cảm yêu nước, yêu quê hương, gia đình, mái trường. Tinh thần tự tôn, ý thức tự chịu trách nhiệm được nâng cao. Kĩ năng sống, làm việc của sinh viên được rèn luyện. Tinh thần khởi nghiệp đã bước đầu được hưởng ứng.
Nhiều đề tài khoa học đã gắn với thực tiễn sản xuất và được các địa phương triển khai ứng dụng. Nhiều bài báo đã được đăng trên các tạp chí quốc tế và trong nước. Nhiều lớp học chuyển giao công nghệ cho nông dân về lâm nghiệp, nông nghiệp được mở tại các huyện. Lớp đào tạo tiếng Việt cho Lưu học sinh lào đạt kết quả cao. Học sinh Trường Chu Văn An tham gia thi THPTQG có kết quả tốt, phần lớn trúng tuyển vào các trường chất lượng, có uy tín ở trong nước và nước ngoài.Sinh viên của Trường tham gia thi Olipic toán học các trường đại học và cao đẳng đạt thành tích xuất sắc. Công đoàn và Đoàn thanh niên đều đạt giải nhất, giải đặc biệt của ngành về tìm hiểu pháp luật. Trường được tỉnh Sơn La, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an tặng cờ. Hàng chục Bằng khen Chính phủ, Ban chỉ đạo Tây Bắc, của Bộ GD&ĐT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, tỉnh Sơn La, Điện Biên tặng cho tập thể và cá nhân của Trường.
II. Những hạn chế yếu kém và nguyên nhân
1. Về công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức, bồi dưỡng đội ngũ
Vẫn còn một bộ phận chưa thực sự ý thức về tư tưởng chính trị, chưa thực sự mô phạm về hành vi, ứng xử, còn nhiều biểu hiện lối sống trung bình chủ nghĩa, ích kỉ, tự ti, thiếu các kĩ năng sống. Tinh thần năng động, sáng tạo còn hạn chế. Nguyên nhân do giáo dục tư tưởng còn chung chung, nhiệm vụ chưa sát thực tiễn, việc kiểm tra, đánh giá chưa quyết liệt; nhiều kênh thông tin, tuyên truyền của các mạng xã hội do các thế lực thù địch, do các phần tử tiêu cực kích động…
Công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ vẫn còn chậm so với yêu cầu. Số tiến sĩ vẫn chủ yếu đào tạo trong nước. Nhiều NCS còn chậm thời gian bảo vệ. Số cán bộ được đi học Lí luận cao cấp còn ít. Nguyên nhân do chưa đôn đốc, kiểm tra, đánh giá quyết liệt.
2. Về công tác đào tạo, NCKH&CGCN, quan hệ, hợp tác
Trong đào tạo vẫn chưa rõ nét đào tạo theo tín chỉ. Cố vấn học tập và sinh viên chưa hiểu hết bản chất đào tạo theo tín chỉ. Số cán bộ giảng dạy còn thiếu và hạn chế về chuyên môn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy còn hạn chế, ít có sáng tạo. Công nghệ thông tin và tiếng Anh chưa thành một nhu cầu tự thân mạnh mẽ.
Trong NCKH vẫn còn nhiều đề tài chung chung, xa thực tế, nặng về lý thuyết. Chưa có nhiều sản phẩm được sản xuất từ những quy trình NCKH.
3. Công tác quản lý điều hành, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường
Công tác kế hoạch vẫn còn nhiều vấn đề chưa sát thực tế, vẫn còn nặng chi cho con người. Công tác quản lý còn nhiều bất cập. Tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị còn yếu. Trong quản lý chưa có nhiều sáng kiến cải tiến để nâng cao năng suất, chất lượng. Việc kiểm tra, đôn đốc nhiều lúc chưa thường xuyên, chưa quyết liệt. Nhiều cá nhân còn ỷ lại, nhiều tập thể hoạt động mờ nhạt, thụ động.
Công tác VSMT chưa thật đều trong năm. Vẫn còn tháng, còn nơi có lúc chưa thật sạch đẹp. Nguyên nhân do chưa sắp xếp dàn đều cả ngày làm và ngày nghỉ.
4. Công tác các đoàn thể
Các đoàn thể đôi khi vẫn thụ động trong công việc. Các phong trào nhiều lúc còn chung chung, hình thức mà chưa đi vào từng việc cụ thể, từng hoàn cảnh cụ thể để tổ chức thực hiện, để giúp đỡ hiệu quả.
5. Công tác tài chính
Công tác thu chi nhiều khi chưa thật kế hoạch, công tác quyết toán nhiều lúc còn chậm, nhất là trong quyết toán xây dựng. Các bộ phận liên quan trong thanh toán, quyết toàn chưa thật sự đều tay, chưa thật sự hợp tác hiệu quả. Nguyên nhân do năng lực một số cán bộ còn hạn chế, do sự điều hành chưa thật khoa học. Một số bên liên quan chưa phối hợp nhiệt tình trong quyết toán.
III. Bài học kinh nghiệm
1. Công tác quy hoạch, kế hoạch phải đồng bộ, sâu sát kĩ lưỡng để sát thực tế, đúng yêu cầu.
2. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nâng cao tinh thần và mạnh mẽ trong phê bình và tự phê bìnhPhải đoàn kết trên cơ sở hiểu biết, tôn trọng pháp luật, tôn trọng con người, công việc.
3. Việc quản lý điều hành phải thông qua hệ thống các văn bản.
4. Phải tự tôn và tự trọng trong mỗi đơn vị, cá nhân, nhất là cán bộ lãnh đạo, giảng viên.
5. Phải thường xuyên trau rồi tư tưởng, kiến thức khoa học, rèn luyện đạo đức, lối sống, không ngừng học hỏi.
PHẦN II - PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP NĂM HỌC 2016-2017
Năm học mới 2016-2017 đã bắt đầu. Đây là năm học mà bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp. Hội nhập và toàn cầu hóa vẫn là xu thế chủ đạo, cạnh tranh gay gắt, kinh tế thế giới phục hồi chậm, nhiều khu vực trên thế giới bất ổn định. Trong nước, chính trị, xã hội ổn định, tiềm lực kinh tế ngày càng tăng. Sau Đại hội XII của Đảng, một không khí mới tin tưởng, quyết tâm xây dựng đất nước phát triển ngày càng mạnh mẽ. Chính phủ quyết tâm trở thành Chính phủ kiến tạo, tích cực chống tham nhũng, bảo vệ môi trường. Với giáo dục, Đảng, Chính phủ quan tâm đặc biệt. Bên cạnh vẫn còn những khó khăn do kinh tế chậm phát triển, nạn tham nhũng, quan liêu, tiêu cực vẫn nhiều; một bộ phận cán bộ, đảng viên làm giảm lòng tin của xã hội.
Riêng Trường ĐHTB, bên cạnh những thắng lợi đã đạt được của năm học trước, tạo đà quyết tâm phát triển thì vẫn còn nhiều khó khăn. Số sinh viên giảm dẫn tới nguồn thu hạn chế, lực lượng đi đào tạo nâng cao trình độ nhiều nên kinh phí chi tăng, chất lượng đầu vào hạn chế dẫn tới việc nâng cao chất lượng đào tạo gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh là một bộ phận chưa thật quyết tâm, tư tưởng ỷ lại, thụ động, ý thức tự tôn, tinh thần tự trọng chưa cao, sự nhiệt huyết cho sáng tạo, cho nghiên cứu, tình thương yêu học sinh chưa thật nồng nàn.
1. Phương hướng
Đoàn kết toàn Trường, ra sức thi đua sáng tạo dạy tốt, học tốt, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, làm việc năng suất, chất lượng, hiệu quả,… xây dựng Trường ĐHTB ngày càng vững mạnh, thành trung tâm đào tạo, NCKH&CGCN, bảo tồn văn hóa của vùng Tây Bắc.
2. Nhiệm vụ và giải pháp
2.1. Nâng cao chất lượng tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống ngày càng mô phạm
Trong Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2016-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tới việc lâu nay ta chưa quan tâm nhiều giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, gây nhiều lo ngại cho xã hội. Nhân cách theo Thủ tướng là “Sống có trách nhiệm”. Trường ĐHTB trong nhiều năm qua đã chú trọng mạnh vào công tác giáo dục tư tưởng đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên như nâng cao ý thức tự tôn dân tộc, tinh thần trách nhiệm, dạy “làm người”, dạy kĩ năng sống tích cực,…. Trong năm học mới, Trường tiếp tục đẩy mạnh tinh thần trên bằng cách sát sao hơn, thực tế, cụ thể tới từng cá nhân, đơn vị. Cách đánh giá thông qua việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đánh giá bằng hiệu quả của công việc cụ thể.
Giáo dục bằng nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi người, bằng tuyên truyền giáo dục tấm gương người tốt, việc tốt. Giáo dục bằng các hoạt động cụ thể gắn bó với trách nhiệm của từng đơn vị, từng cá nhân. Các hoạt động nhân văn cần nhân rộng như hoạt động tình nguyện, giúp đỡ người khó khăn, quan tâm giao lưu giúp đỡ lưu học sinh Lào. Tăng cường giáo dục ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường,… Tăng cường hoạt động các đoàn thể, các hoạt động ngoại khóa, thể thao, văn nghệ, quan tâm chăm sóc cây xanh…
2.2. Song hành đẩy mạnh đào tạo với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Trong đào tạo song hành nghiên cứu chỉnh sửa chương trình, bổ sung những vấn đề sát nhu cầu thực tiễn với việc tìm những phương pháp đào tạo tiên tiến, hiệu quả theo tinh thần phát huy năng lực người học. Các nội dung vừa phải mang tính khoa học vừa phải sát yêu cầu thực tiễn, nhất là thực tiễn Tây Bắc.
Bên cạnh trau dồi kiến thức khoa học cho sinh viên cần rèn luyện tốt các kĩ năng thực hành ứng dụng. Làm sao cho mỗi sinh viên vừa vững chắc kiến thức, vừa biết vận dụng các kiến thức đó vào đời sống để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, vừa biết chuyển giao công nghệ khoa học, tiên tiến cho nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Trong đào tạo chú trọng nâng cao trình độ tiếng Anh và trình độ công nghệ thông tin.
Cần đẩy mạnh tinh thần “Khởi nghiệp” một cách mạnh mẽ trong giảng viên, sinh viên. Tinh thần khởi nghiệp cần thể hiện không chỉ trong nhận thức mà cần được thể hiện mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện.
Tăng cường nghiên cứu khoa học trong cán bộ, giảng viên, sinh viên. Các đề tài khoa học hướng mạnh hơn nữa vào việc tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu xã hội, có giá trị kinh tế cao. Sử dụng có hiệu quả các phòng thí nghiệm, các trung tâm nghiên cứu với các trang thiết bị hiện đại. Tăng cường nghiên cứu các quy trình công nghệ hiện đại, sát yêu cầu thực tiễn để chuyển giao cho nông dân một cách nhanh, đơn giản.
2.3. Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý, trong thực hiện công việc
Để thích nghi chủ động với công việc, với quản lý, điều hành trên tinh thần trách nhiệm, tự chủ, mỗi đơn vị, cá nhân cần chủ động trong công việc, có kế hoạch chi tiết cụ thể, có lộ trình thực hiện bài bản. Công tác lập kế hoạch cần bám sát đặc điểm tình hình, bám sát các yêu cầu thực tiễn. Trong kế hoạch cần xác định mục tiêu cụ thể, khả thi, các giải pháp linh hoạt và hiệu quả.
Tích cực tuyên truyền và thực hiện thực hành tiết kiệm. Tiết kiệm về thời gian, về kinh phí. Giảm các cuộc họp không cần thiết, giảm tiếp khách bằng ăn uống. Tiết kiệm điện, nước bằng tăng cường khoán, kiểm tra.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc. Đề cao tinh thần dám chịu trách nhiệm trong mỗi đơn vị, cá nhân và nhất là người đứng đầu các đơn vị.
2.4. Quan hệ rộng mở, năng động, hiệu quả, sát thực tiễn
Tiếp tục phát huy tinh thần hợp tác rộng mở để hướng tầm nhìn, cách suy nghĩ, năng lực hợp tác quan hệ trong thời kì hội nhập. Tiếp tục làm tốt với các đơn vị trong nước và quốc tế đã quan hệ hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tiếp tục tìm kiếm mở rộng với các đối tác mới để nâng cao tầm nhìn, hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Đặc biệt chú trọng quan hệ hợp tác mạnh mẽ, sâu sát với các địa phương Tây Bắc để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ. Cần nghiên cứu và làm chủ văn hóa các dân tộc Tây Bắc để làm nền tảng trong các mối quan hệ, trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
2.5. Hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức, làm tốt công tác cán bộ
Tiếp tục nghiên cứu, soạn thảo, chỉnh sửa các văn bản pháp quy để điều hành, để dân chủ hóa trong các hoạt động. Tiếp tục kiện toàn các đơn vị sao cho hài hòa giữa số lượng với công việc, không để mất cân đối trong đào tạo, trong nghiên cứu khoa học.
Quan tâm công tác cán bộ từ khâu phát hiện, lựa chọn bồi dưỡng tới sắp xếp, bố trí cán bộ hợp lý trên tinh thần yêu cầu của thực hiện các nhiệm vụ trọng yếu là đào tạo và nghiên cứu khoa học, thực hiện nhiệm vụ và truyền thông tốt.
2.6. Chú trọng công tác đoàn thể, công tác Đảng
Tăng cường tính tự chủ cho các đoàn thể. Hướng mạnh các hoạt động của các đoàn thể vào việc hợp sức trong giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, hợp sức trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Các đoàn thể vừa phát huy vai trò đặc thù của mình để rèn luyện đoàn viên vừa hướng vào nhiệm vụ chính trị chung của toàn Trường để các hoạt động hiệu quả.
Các đoàn thể cần tăng cường các hoạt động mang tính xã hội như hoạt động vì môi trường, hoạt động vì xã hội. Các hoạt động nhân đạo cần đẩy mạnh và có chiều sâu để sau mỗi hoạt động các cá nhân đoàn viên hiểu sâu ý nghĩa của hoạt động từ đó chuyển biến nhân cách. Các hoạt động tình nguyện, hoạt động câu lạc bộ để nâng cao kĩ năng sống cho sinh viên.
Công tác Đảng cần chú trọng nhiều trong công tác tư tưởng chính trị, chú trọng công tác tổ chức cán bộ, công tác kiểm tra giám sát. Chú trọng xây dựng chi, đảng bộ vững mạnh về mọi mặt để lãnh đạo toàn Trường hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
3. Kết luận
Năm học 2016-2017 sẽ diễn ra trong một bối cảnh có rất nhiều thuận lợi, song cũng không ít khó khăn, thách thức. Trường Đại học Tây Bắc sẽ phát huy mạnh mẽ những thế mạnh của Trường, tận dụng mọi thời cơ, mọi thuận lợi để khắc phục những khó khăn, đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm thi đua sáng tạo để thực hiện các nhiệm vụ, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu đề ra.