Bản sắc văn hóa và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

     Chúng ta thường nói tới thuật ngữ bản sắc văn hóa và mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam. Thế nào là bản sắc văn hóa vẫn là vấn đề trừu tượng với nhiều người; còn làm thế nào để giữ gìn bản sắc văn hóa là một vấn đề không dễ dàng khi hội nhập kinh tế trên thế giới ngày càng sâu rộng. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có những đặc điểm văn hóa riêng thể hiện qua lối sống, cách ứng xử và các hành vi giao tiếp khác. Người phương Tây khi giao tiếp thường bắt tay biểu hiện bàn tay không có vũ khí. Người phương Đông lại cúi đầu chào, gọi người khác là đại nhân (người lớn), tiên sinh (người sinh ra trước, hiểu biết nhiều như là người anh). Cái đó thuộc về bản sắc văn hóa vì nó chỉ có thể tìm thấy ở nơi này mà không thể tìm thấy ở nơi khác, nghĩa là cái đặc trưng của một cộng đồng người, của một tộc người biểu hiện ra ở từng cử chỉ, hoạt động sinh tồn của cá thể cũng như của cả cộng đồng.

     Bản sắc văn hóa là thiêng liêng, quý giá, nó tạo nên cái đặc thù của một dân tộc. Nó được hình thành trong lịch sử lâu dài của một dân tộc, được đúc kết từ kinh nghiệm sống, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, gắn bó máu thịt với con người. Nó tồn tại tự nhiên không thể ép buộc nhưng đòi hỏi phải biết giữ gìn, bảo lưu. Nó có thể được biểu hiện ra bề ngoài nhưng cũng có thể ẩn sâu trong tâm hồn con người.

     Như trên đã nói, bản sắc văn hóa là một vấn đề trừu tượng. Hiểu và giải thích nó cũng không phải là vấn đề đơn giản. Nước ta chịu sự ảnh hưởng và du nhập của hai nền văn hóa Đông và Tây. Thời phong kiến, chủ yếu là văn hóa phương Đông mà cụ thể là văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ. Việc hai nền văn hóa ấy được truyền vào Việt Nam có những nguyên nhân khác nhau nhưng chỉ những cái gì “hợp thổ nghi” mới tồn tại và phát triển, nghĩa là nó được người Việt Nam vận dụng một cách linh hoạt.

     Người Việt Nam có những biểu hiện bản sắc văn hóa trong giao tiếp, ứng xử; đặc biệt là những nét văn hóa truyền thống rất nhân văn, nhân ái đã được tổng kết thành ngạn ngữ, thành ngữ, lời ca như: “Lá lành đùm lá rách”, “Chị ngã em nâng”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Bán anh em xa mua láng giềng gần”,“Tôn sư trọng đạo”, “Kính già yêu trẻ”, “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”,“Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Những nét bản sắc văn hóa ấy đã góp phần to lớn làm nên sức mạnh vô địch của  cộng đồng 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam là thành trì vững bền trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Bác Hồ với đồng bào các dân tộc thiểu số

     Bản sắc văn hóa một phần được thể hiện qua các di sản văn hóa. Đó là những sản phẩm văn hóa (có thể là thiên tạo cũng có thể là nhân tạo, là vật thể hoặc phi vật thể). Dù là thiên tạo nhưng nó phải được con người cảm xúc, rung động, thưởng thức và đặt tên theo cách hiểu của văn hóa Việt Nam. Nhiều nơi trên thế giới có thể cũng có vật thể giống như núi Vọng phu, như hòn Trống mái nhưng nó không có tên gọi như vậy. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã nói về điều ấy rất tinh tế và thực tế:

Những người vợ nhớ chồng nên có núi Vọng phu,

Vợ chồng yêu nhau nên có hòn Trống mái

Những học trò nghèo nên có núi Bút non Nghiên.

     Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia...

 

Núi vọng phu                                                                                     Hòn trống mái

Vịnh Hạ Long

     Di sản văn hóa phi vật thể gồm những sản phẩm tinh thần như chữ viết, văn học, nghệ thuật dân gian với nhiều loại hình, lễ tiết, luật tục, các tri thức về khoa học đời sống, khoa học quân sự, về kinh nghiệm trong đời sống...

     Sau một thời gian văn hóa phi vật thể có thể trở thành văn hóa vật thể như  văn khắc trên bia đá, sắc phong của vua, chúa ngày xưa...

     Nhiều yếu tố khác của văn hóa như phong tục, trang phục, nghệ thuật tạo hình, văn hóa ẩm thực... cũng phản ánh bản sắc văn hóa.

     Bảo vệ và phát huy văn hóa trong thời kì hội nhập:

     Thế giới ngày càng vận động đến xu hướng hội nhập. Ảnh hưởng và giao lưu văn hóa ngày càng mạnh mẽ. Ngày nay chúng ta không thể không tiếp nhận văn hóa thế giới bởi lẽ nếu không tiếp nhận văn hóa thế giới thì tình trạng lạc hậu, chậm phát triển càng thêm trầm trọng và nặng nề. Điện thoại di động, máy vi tính, ti vi cũng như rất nhiều những sản phẩm điện tử, công nghệ sinh học, hóa học, lý học đang tràn ngập thế giới và trở thành những điều không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của con người Việt Nam. Bên cạnh mặt tốt bởi ích lợi của nó cũng biểu hiện rất nhiều lo ngại về ảnh hưởng mặt trái của nó. Một số biểu hiện cần phải được quan tâm suy ngẫm để làm sao những giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc văn hóa Việt Nam được lưu giữ, bảo tồn và phát huy trong đời sống của con người Việt Nam:

     Nghệ thuật văn hóa Việt Nam truyền thống với nhiều thể loại, loại hình  hiện đang bị mai một. Sở dĩ những thể loại, loại hình đó tồn tại lâu đời và có sức hấp dẫn mạnh mẽ vì nó là văn hóa được xây dựng trên nền tảng của nền nông nghiệp lúa nước. Ngày nay khi công nghiệp tác động mạnh mẽ vào đời sống thì các thể loại đó không còn khả năng hấp dẫn, cuốn hút mạnh mẽ. Thanh niên ngày nay và cả tầng lớp trung lưu không thích xem tuồng, chèo, hát ca trù vì tạm gọi là diễn tiến nghệ thuật lúc nghệ sĩ biểu diễn thường diễn ra chậm trong khi diễn tiến của cuộc sống đã có nhiều ảnh hường của nền kinh tế công nghiệp hiện đại. Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa và những nghệ sĩ, những nhà nghiên cứu tâm huyết với các loại hình văn hóa truyền thống đang hết sức quan tâm, bảo lưu, giữ gìn và cố gắng phát triển nhưng cần phải được sự quan tâm của đông đảo các ngành, các cấp và nhân dân thì mong muốn ấy mới có thể thực hiện được.

     Chiếc áo dài tân thời – sản phẩm văn hóa mặc kết hợp cả văn hóa mặc Đông – Tây đã và đang là vẻ đẹp văn hóa mặc mang bản sắc Việt Nam cũng cần phải được nhận thức và giữ gìn. Do điều kiện sinh hoạt vật chất ngày nay tốt hơn nên nhiều phụ nữ không được mảnh mai và vì vậy không thích mặc áo dài ngay cả những ngày lễ, tết. Trong khi đó trên thế giới, người ta đánh giá rất cao chiếc áo dài tân thời của chúng ta. Nhà văn hóa Liên Xô, Roman Cacmen đã  khi đến thăm trường nữ trung học Trưng Vương Hà Nội đã kinh ngạc mà reo lên: “đúng là tiên” khi ông nhìn thấy các nữ sinh mặc áo dài.

     Một số các nhạc cụ rất độc đáo của người Việt Nam đang ít được chú ý  bảo tồn và  phát huy. Đàn đá Tây Nguyên, đã một thời tạo được ấn tượng sâu đậm cho thính khán giả trong và ngoài nước, hiện nay chỉ có ít người biết sử dụng. Các nhạc cụ độc đáo của đồng bào các dân tộc miền núi cũng có nguy cơ mai một trong bối cảnh nhạc hiện đại tràn lan trong đời sống âm nhạc ngày nay. Đô thị hóa nông thôn là một sự tiến bộ nhưng cũng kéo theo nhiều yếu tố làm mai một những giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam. Mối quan hệ làng xã truyền thống với tình làng nghĩa xóm cũng không còn mặn nồng như trước.

     Giữ gìn bản sắc văn hóa không có nghĩa là loại bỏ các yếu tố văn hóa ngoại lai. “Bảo tồn bản sắc văn hóa” khác với “bảo vệ bản sắc văn hóa”. “Bảo tồn bản sắc văn hóa” là giữ để cho không mất đi, còn “bảo vệ bản sắc văn hóa” là giữ không để cho xâm phạm. “Bảo tồn” không có nghĩa là chỉ giữ lấy mà còn phải làm cho nó phát triển lớn mạnh hơn, giàu có hơn và vẫn được bổ sung các yếu tố mới. Trong việc bảo tồn và phát triển cũng đòi hỏi phải biết lựa chọn, sàng lọc. Các yếu tố văn hóa bản địa trước đây đã từng dung hợp với các yếu tố văn hóa ngoại nhập nhưng vẫn tạo ra những nét văn hóa bản sắc. Vấn đề là phải dung hợp như thế nào và điều đó phải trở thành nhận thức, ý thức thường trực trong tiếp nhận và sử dụng. Thực tế cho thấy nhiều người có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam rất quan ngại khi các yếu tố văn hóa ngoại nhập đã làm xâm phạm và làm lu mờ những giá trị văn hóa truyền thống. Gần đây trang phục và diễn xuất của nhiều ca sĩ, diễn viên trên sân khấu đã tạo ra sự phản cảm, trở thành một vấn đề nhức nhối khiến cho một bộ phận không nhỏ khán giả quay lưng với nghệ thuật sân khấu. Người Việt Nam thừa nhận và tiếp nhận cái tinh túy, đẹp đẽ của vũ Ba lê, của nhạc Rock, của kịch nói, của nghệ thuật điện ảnh nhưng không chấp nhận phim ảnh khiêu dâm cùng những trò chơi bạo lực trên máy tính.

     Bảo tồn cũng phải có sự lựa chọn để bảo tồn, sử dụng những yếu tố văn hóa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Lễ hội là văn hóa truyền thống nhưng tình trạng ngày nay tổ chức quá nhiều lễ hội vừa tốn kém, vất vả và nguy cơ bị mê tín dị đoan hóa đấy là chưa kể có những hiện tượng lợi dụng lễ hội cầu lợi và làm lợi cho cá nhân.

     Áo dài tân thời rất đẹp và gợi cảm một cách lành mạnh nhưng không phải lúc nào phụ nữ cũng nên dùng áo dài nhất là những ngày trời rét vừa không đảm bảo sức khỏe vừa tạo sự ức chế cho người mặc. Để đỡ lạnh có lúc phụ nữ phải mặc thêm áo khoác ngoài thành ra áo dài thành vô dụng và có cảm giác người đó ăn mặc luộm thuộm. Giữ gìn bản sắc văn hóa còn đồng nghĩa với giữ gìn môi trường tự nhiên. Trước đây khi nói tới Tây Bắc là người ta nghĩ tới xứ sở của hoa ban cũng như nói tới Tây Nguyên người ta nghĩ ngay tới mảnh đất của cồng chiêng. Bây giờ hoa ban Tây Bắc ngày một ít. Tiếng cồng chiêng của Tây Nguyên ngày nay không còn được như ngày xưa nữa. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã khẳng định điều đó mà theo họ thì Tây nguyên hùng vĩ với đại ngàn xưa đã không còn nữa. Tây Nguyên hoang sơ là cái nền tự nhiên của cồng chiêng đã thay bằng Tây Nguyên của cây công nghiệp. Tiếng cồng, chiêng chỉ âm vang khi nó được dóng lên trên tự nhiên hùng vĩ ấy. Nay thiên nhiên không còn thì âm vang cồng chiêng cũng hết. Đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi của văn hóa Việt Nam từ xa xưa là mảnh đất sinh ra tiếng sáo trúc véo von, tiếng sáo diều réo rắt nay là nơi pha tạp đủ loại âm thanh: tiếng xe, tiếng nhạc, tiếng máy nổ…nên nét văn hóa làng quê cũng mai một dần.

     Giữ gìn  bản sắc văn hóa là một yêu cầu vừa lâu dài vừa cấp thiết. Có lẽ trước hết mỗi cá nhân phải nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa theo đúng cách nghĩ: mọi cái sẽ đi qua, cái còn lại của mỗi dân tộc là văn hóa. Xã hội và nhà trường phải tăng cường giáo dục để mọi công dân hiểu được những giá tri, những biểu hiện truyền thống văn hóa … Nhiều hiện tượng gần đây càng làm mai một bản sắc văn hóa như việc trùng tu Chùa trăm gian ở xã Tiên Phương huyện Chương Mỹ. Người ta gọi đây là sự “xây mới” ngôi chùa chứ không phải trùng tu. Những gì là rường cột của chùa với vật liệu bằng gỗ lim xưa đã tự nhiên bị biến thành phế thải vất lăn lóc dưới chân đồi, thay vào đấy là bê tông, gỗ lim Lào và đá Thanh Hóa.

     Cần phải có kế hoạch và giải pháp đồng bộ về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Đây là công việc không phải của một ngành mà phải là của toàn xã hội. Phải có phương châm giáo dục về văn hóa một cách quy củ, hệ thống. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm đã viết: “Một môn học về văn hóa dân tộc với mấy chục tiết trong nhà trường chỉ là những hạt mưa, trong khi thông tin ngoài xã hội hàng ngày là những cơn lũ: Thử điểm xem trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày có bao nhiêu phim, bài có nội dung giáo dục về văn hóa dân tộc và có bao nhiêu phim, bài giới thiệu về các loại mốt, về đời tư các người mẫu, siêu sao, về các vụ án đầy tình tiết giật gân và bạo lực? Các báo đài nên mở (nếu đã mở rồi thì tăng cường) các chuyên mục tìm hiểu về văn hóa dân tộc, qua đó thanh niên sẽ biết được nguồn gốc, ý nghĩa, lí do tồn tại, phạm vi sử dụng…của các phong tục, sản phẩm văn hóa. Biết được ý nghĩa sâu xa của tục thờ cúng tổ tiên, thanh niên sẽ không phũ phàng tới mức “nại cớ bận công tác, đợi gần giờ ăn mới đưa vợ đến thắp vội nén nhang, ngồi ăn dứt điểm cho lẹ rồi lại “bận công tác để chuồn cho nhanh” (Báo Tuổi trẻ, ngày 2-11-1995). Hiểu được chỗ hay và biết cách thưởng thức, thanh niên sẽ bớt thờ ơ với các loại hình sân khấu truyền thống của Việt Nam mà thế giới đang hết lời ca ngợi như chèo, tuồng, múa rối nước, cải lương… Biết được lí do tồn tại và phạm vi sử dụng của một nhiện tượng văn hóa nước ngoài, thanh niên sẽ không học đòi chạy theo đến mức mù quáng. Hiểu được về văn hóa sẽ hạn chế được hàng loạt sai sót đáng tiếc xảy ra khá thường xuyên trong cuộc sống và trên các báo đài!”