Bạn đang ở: HomeKhoa học - Công nghệThông báo – Tin tức – Sự kiệnCÁCH DÙNG KIGO (QUÝ NGỮ) TRONG THƠ HAIKU NHẬT BẢN

CÁCH DÙNG KIGO (QUÝ NGỮ) TRONG THƠ HAIKU NHẬT BẢN

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

1. Đặt vấn đề

Thể thơ haiku Nhật Bản được Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayasi Issa làm cho trở thành tuyệt mĩ là một trong những thể thơ ngắn nhất thế giới, gồm mười bảy âm tiết, có thể được viết trên giấy thành những bức họa theo nghệ thuật thư pháp hoặc đề vào những bức tranh cổ. Nhưng điểm quan trọng là tâm thái người làm thơ và những gì ẩn chứa phía sau sự tối giản đến kinh ngạc của mười bảy âm tiết ấy. Việc thưởng thức thơ haiku đòi hỏi người đọc phải liên tưởng, tưởng tượng, phải hòa nhập được vào dòng sông đang trôi chảy của đời sống và cùng sáng tạo với người nghệ sĩ thì mới có thể cảm nhận được giá trị thẩm mĩ và ý nghĩa của đời sống ẩn chìm trong đó. Một trong những tín hiệu thẩm mĩ độc đáo của thơ haiku là kigo. Hiểu được kigo và cách dùng kigo sẽ giúp người đọc có khả năng thâm nhập được vào thế giới sâu thẳm của thơ haiku.

2. Cách dùng kigo (quý ngữ) trong thơ haiku

2.1. Kigo và những quy ước trong cách dùng

Kigo là quý ngữ, là từ chỉ mùatrong thơ haiku Nhật Bản. Nói cách khác, tất cả những từ ngữ liên hệ đến mùa đều được gọi là kigo. Thời gian được miêu tả trong thơ haiku chủ yếu là thời gian hiện tại, thời gian sinh hoạt. Đó là thời gian của vũ trụ tự nhiên: nước chảy, mây trôi, hoa nở, chim hót, ngọn đồi phủ sương... Đó là thời gian xảy ra sự kiện hoặc thời gian hoạt động của sự vật và con người trong thời điểm hiện tại. Và thời gian hiện tại đó luôn gắn với bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông của xứ sở mặt trời mọc. Haiku là thể thơ không đòi hỏi chặt chẽ về vần, niêm luật, bằng trắc hay đối nhau, nhưng nó có những quy định riêng về kigo: Một bài haiku phải có kigo (phải có từ chỉ mùa).

Yếu tố "mùa" là yếu tố khá quan trọng trong thơ haiku. Các nhà thơ haiku hầu như lúc nào cũng đưa mùa vào thơ. Bốn mùa qua đi đều để lại cho haiku một dấu chân nào đấy, có khi là bóng hoa anh đào, có khi là những cơn mưa hay chiếc lá phong chuyển sang sắc đỏ...

            Khí hậu của Nhật Bản khá phức tạp. Nhiệt độ trung bình hàng năm của Nhật Bản khoảng 14,6 độ c, tuy nhiên, khí hậu ở các vùng khác nhau khá rõ do hình dáng thon dài của nước Nhật. Ngay ngày nở của hoa anh đào ở các vùng khác nhau của Nhật Bản cũng khác nhau. Hoa anh đào là quốc hoa, là biểu tượng của nước Nhật, nở vào mùa xuân, có màu trắng và màu phớt hồng, rất đẹp. Khi nở rộ, hoa anh đào giống như áng mây trắng hoặc hồng, bồng bềnh trong sương khói, rất lãng mạn, chỉ cần một cơn gió thổi qua là những cánh hoa thi nhau rụng xuống, phủ kín mặt đất tạo nên một thảm hoa tuyệt đẹp. Hoa anh đào rơi ngay khi còn tươi rói, một cái đẹp mong manh, gợi cảm. Người Nhật thường chờ đón ngày hoa anh đào nở với một niềm háo hức lạ lùng và vô tuyến truyền hình thường đưa tin ngày bông hoa anh đào đầu tiên nở ở các vùng trên đất nước. Mặc dù vậy, khí hậu của Nhật vẫn có bốn mùa rõ rệt: xuân. hạ, thu, đông. Mùa đông ở Nhật khá lạnh và trên thực tế thì cái lạnh bắt đầu ngay từ cuối mùa thu. Ở Tokyo, mùa đông thỉnh thoảng tuyết có rơi nhưng không nhiều. Mùa hè ở Nhật khá nóng và ẩm, mưa nhiều. Mùa xuân và mùa thu là hai mùa đẹp nhất trong năm. Nhật Bản cũng có rất nhiều lễ hội gắn với các mùa trong năm: lễ hội mừng năm mới, lễ tiết phân, lễ tảo mộ, lễ hội vu lan, lễ hội mùa hạ, lễ hội nông nghiệp, lễ hội Tanahata...

            Các nhà thơ haiku luôn có ý thức đưa mùa vào thơ. Trong thơ haiku, yếu tố mùa rất quan trọng tuy với thời gian nó bớt đi sự quan trọng quyết định của buổi đầu. Bài haiku thường có một chữ liên quan đến mùa ở ngay câu đầu hoặc một câu nào đó trong bài. Nó có thể suy diễn từ khí hậu nóng, lạnh, ngày dài hay ngắn, thời tiết, địa lý đến tên chùa chiền, quần áo, lễ hội, các loại cây cối, chim chóc, hoa cỏ...

             Cách dùng kigo có những quy ước nhất định, những quy ước này giúp nhà thơ tiết kiệm được chữ dùng trong việc thông tin trong thơ mà vẫn chuyển tải được đúng ý đồ của người nghệ sĩ sáng tạo tới bạn đọc. Khi nói "trăng" (tsuki) thông thường thì phải hiểu là trăng tròn mùa thu, nếu không, phải nói cụ thể, chính xác hơn nữa như oborozuki (trăng mờ mùa xuân) hay kangetsu (trăng lạnh mùa đông). Nói "hoa" (hana) phải hiểu là hoa anh đào, chỉ mùa xuân; nói “gặt lúa mạch” để chỉ mùa đông... Ví dụ:

Một đám mây hoa

Chuông đền Ueno vang vọng

Hay đền Asakusa.

Khi đọc bài thơ này của Basho, người Nhật hiểu ngay ông đang nhắc đến tiếng chuông mùa xuân, vì “một đám mây hoa” (Hana no kumo) chỉ hoa anh đào đang nở rộ, đó là biểu tượng của mùa xuân, là “từ chỉ mùa” – một quy ước của người Nhật trong sáng tạo thơ haiku.

Những từ chỉ mùa rất thông dụng trong thơ haiku. Trong thơ ca Nhật Bản nói chung, kể cả tanka hay haiku, thiên nhiên đóng một vai trò rất quan trọng, như một kỹ thuật, như một quy ước trong sáng tác, trong nghệ thuật giữa tác phẩm với bạn đọc. Nắm được quy ước này người đọc mới có thể hiểu được bài thơ. Lòng yêu thích thiên nhiên và sự nhạy cảm của người Nhật đối với thời tiết là một điều dễ nhận thấy trong tâm hồn người Nhật. Những quy ước về mùa có làm phong phú nội dung thơ ca nhưng một mặt nó cũng tạo ra những câu thúc và khuôn sáo.

            Những từ chỉ mùa rất phong phú trong thơ haiku. Sau đây là một số loài động vật và thực vật thông dụng trong thơ haiku, vì haiku còn nói đến nhiều giống chỉ sống ở vùng ôn đới và đôi khi chỉ sống ở Nhật Bản:

            Mùa xuân (tháng giêng đến tháng ba âm lịch):

            Thực vật: Mơ (ume), lan tím (sumire), anh đào (Sakura), hải đường (tsubaki), lê (nashi), tử đằng (fuji), đào (momo), liễu (yanagi), hồng vàng (yamabuki), ngải cứu (yomogi), cây đuôi chồn (waraki).

            Động vật: Chim oanh (uguisu), cú (tsubakurame), sơn ca (hibari), ong (hachi), ếch (kawazu), tằm (kaiko), bướm (cho), sẻ con (susume no ko).

            Vụ mùa: Ngày dài (hinaga), đêm 88 (hachijuhachiya) để chỉ mùa hái trà, tiết xuân (haruoshimu), vãn xuân (yukuharu).

            Thiên văn - Địa lý: trăng mờ sương (oborozuki), tuyết tan (yukidoke), sương lam (kasumi).

            Sinh hoạt - hội hè: Bánh nếp bọc lá (kusamochi), diều (tako), vỡ ruộng (hatakeuchi), ngắt lá chè (chatsumi)...

            Mùa hè (tháng tư đến tháng sáu âm lịch):

            Thực vật: Hoa xương bồ (ayame), hoa diên vĩ (kakitssubata), hoa sơn chi (kuchinasshi), sen (hachisu), kim tước chi (hahakigi), mẫu đơn (botan), hoa lưu ly thảo (wasurenagusa).

            Động vật: Chim bói cá (u), gà nước (kuina), cò (sagi), cuốc (hototogisu), đom đóm (hotaru), kiến (ari), muỗi (ka), cá hương (ayu), ve (semu), cá vàng (kingyo).

            Vụ mùa: Đêm vắn (mijikayo), đầu mùa mưa hè (nyuubai), cái nóng (atsusa), kề thu (akichikashi).

            Thiên văn - Địa lý: Sấm (kaminari), mống trời (niji), mưa rào (yuudachi).

            Sinh hoạt - hội hè: Gặt lúa mạch (mugikari), áo mát (yukata), mùng (kaya), cấy lúa (taue)...

            Mùa thu (tháng bảy đến tháng chín âm lịch):

            Thực vật: Lau sậy (ashi), cúc (kiku), chuối (basho), lau già (ogi), quả hồng (kaki).

            Động vật: Chuồn chuồn (kagero), dế mèn (kirigirisu), dế tùng (matsumushi), chim cút (uzura), ngỗng trời (kari), chim "cát" (sandpiper, shigi), hải âu (miyakodori), gà gô (yamadori).

            Vụ mùa: Đêm lạnh (yosamu), hơi nóng còn sót (zansho), trung thu (chuushuu).

            Thiên văn - Địa lý: Sông ngân (Amanokawa), chớp nháng (inazuma), trăng (tsuki), sương thu (kiri), tiếng thu (aki no koe).

            Sinh hoạt - Hội hè: Thất tịch (tanabata), chày (kinuta), ngắm trăng (tsukimi), tảo mộ (hakamairi), được mùa (honen)...

            Mùa đông (tháng mười đến tháng chạp âm lịch):

            Thực vật: Tầm gửi (yodoriki), lá rụng (ochiba), hành (negi), thủy tiên (suisen), sơn trà (sazanka), củ cải trắng (daikon).

            Động vật: Vịt trời (kamo), chim óc cau (chidori), hạc (tsuru), thỏ (usagi), sò (kaki), một loại chim cú (mimizuku).

            Vụ mùa: Lập đông (ritto), cuối năm (toshi no kure), trừ tịch (oomisoka).

            Thiên văn - Địa lý: Đồng khô lá (kareno), sương giá (shimo), lửa ma trơi (kitsunebi), tuyết đầu mùa (hatsuyuki).

            Sinh hoạt - Hội hè: Tất (tabi), ho (seki), nệm (futon), đốt than (sumiyaki), quét bồ hóng (susuhaki)...

2.2. Các nhà thơ haiku có khi dùng kigo qua các hình ảnh chỉ mùa, cũng có khi dùng kigo trực tiếp - nói rõ là mùa nào

Mùa trong thơ haiku có khi thể hiện qua các hình ảnh chỉ mùa:

                                                Fuku tabi ni

                                                cho no inaoru

                                                yanagi bana.

(Trên cành liễu nghiêng/con bướm đổi chỗ/mỗi lần gió lên). (M. Basho)

            Basho đã dùng kigo: cho (bướm), yanagi (liễu) để chỉ mùa xuân. Dùng kigo như vậy giúp người đọc có thể thấy được không gian mùa xuân tươi đẹp, lãng mạn với hình ảnh rực rỡ sắc màu của bướm bên cành liễu đang đâm chồi nảy lộc xanh mướt trong làn gió nhẹ và tiết xuân mát dịu… đúng như ý đồ sáng tạo của người nghệ sĩ mà ông vẫn tiết kiệm được từ ngữ, không cần phải miêu tả cụ thể.

Bài thơ sau dùng kigo chỉ mùa đông qua hình ảnh tuyết (yuki):

                                                Futari mishi

                                                yuki wa kotoshi mo

                                                furikeru ka.

(Đã rơi năm nào/ tuyết mà ta ngắm/ bây giờ lại rơi). (M. Basho)

Nhiều bài thơ nói đến tháng, qua đó ta thấy mùa:

                                                Mưa tháng năm rơi

Và những con ếch

Bơi đến cửa nhà tôi.    (Sanpu)

            Trong bài thơ này Sanpu miêu tả cơn mưa mùa hè.

Ở những ví dụ trên, tác giả đã dùng kigo qua các hình ảnh chỉ mùa, còn nhiều bài thơ khác tác giả dùng kigo trực tiếp - nói rõ là mùa nào. Ví dụ:

                                                Mùa xuân đến rồi

vô danh ngọn đồi ấy

sáng nay khoác áo sương mù.            (M. Basho)

            hay:                             Gió mùa thu

làm sao em bé hái

hoa tím bây giờ!          (K. Issa)

2.3. Kigo thường nằm ở câu đầu bài haiku

                                                Hototogisu

                                                naku ya goshaku no

                                                ayamegusa.

            (Vang tiếng chim cu/ và lá diên vĩ/ vươn năm bộ cao). (M. Basho)

Hototogisu là chim cu (chim đỗ quyên), loài chim báo hiệu mùa hè. Đây là quý ngữ chỉ mùa hè.

            Tuy nhiên, cũng có một số bài kigo nằm ở câu hai hoặc câu ba:

                                                Moro moro no

                                                kokoro yanagi ni

                                                makasubeshi.

            (Trao cho cây liễu/ mọi niềm ước vọng/ mọi điều chán chê). (M. Basho)

Kigo: cây liễu (yanagi) nằm ở câu thơ thứ hai chỉ mùa xuân - loại này ít gặp nhất.

                                                Na batakeni

                                                hanami gao

                                                naru suzume kana

            (Trong đồng rau cải/ trăm mắt ngắm hoa/ một bầy chim sẻ). (M. Basho)

Kigo: chim sẻ (suzume) ở câu ba chỉ mùa xuân.

            Có khi kigo ở cả câu hai và câu ba:

                                                Fuku tabi ni

                                                chô no inaoru

                                                yanagi kana.

            (Trên cành liễu nghiêng/ con bướm đổi chỗ/ mỗi lần gió lên). (M. Basho)

Kigo: bướm (chô) nằm ở câu hai và liễu (yanagi) nằm ở câu ba đều chỉ mùa xuân.

3. Kết luận

Cách dùng kigo có những quy ước nhất định, những quy ước này giúp nhà thơ tiết kiệm được chữ dùng trong việc thông tin trong thơ mà vẫn chuyển tải được đúng ý đồ của người nghệ sĩ sáng tạo tới bạn đọc, đồng thời giúp người đọc hiểu được điều tác giả muốn nói, thấy được giá trị thẩm mĩ sâu sắc của bài thơ. Các nhà thơ haiku có khi dùng kigo qua các hình ảnh chỉ mùa, cũng có khi dùng kigo trực tiếp - nói rõ là mùa nào. Thông thường kigo nằm ở câu đầu bài haiku, có khi nằm ở câu hai hoặc câu ba. Ở Nhật, cách dùng kigo đã trở thành quy luật và hầu như các tuyển tập thơ haiku đều quen sắp xếp các bài thơ theo từng mùa. Các hình ảnh về mùa cho thấy quan hệ của con người với thiên nhiên, với đất trời, tạo thành một thể thống nhất chặt chẽ, tương thông, lí tưởng: thời gian – không gian – con người.