Bạn đang ở: HomeKhoa học - Công nghệThông báo – Tin tức – Sự kiệnNỖ LỰC VÌ SỰ PHÁT TRIỂN VÙNG TÂY BẮC

NỖ LỰC VÌ SỰ PHÁT TRIỂN VÙNG TÂY BẮC

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Ngày 14/12/2013, tại Trung tâm Hội nghị Tỉnh Phú Thọ đã diễn ra Hội nghị chuyên đề “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút các Dự án ODA, NGO vào vùng Tây Bắc” do Ban chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các bộ, ngành liên quan và UBND Tỉnh Phú Thọ tổ chức. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc đến dự, chỉ đạo và tham gia chủ trì Hội nghị.


Đoàn chủ tọa Hội nghị (Nguồn: baophutho.vn)

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo UBND, sở, ban, ngành các Tỉnh Tây Bắc, đại diện các bộ, ban, ngành của Trung ương, đại diện chỉ huy Quân khu 2, các cơ quan truyển thông, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Jeon Dea Ju và đại diện các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đoàn công tác Trường Đại học Tây Bắc do NGƯT, TS. Nguyễn Văn Bao – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng dẫn đầu, đã tham dự Hội nghị.

            Hội nghị đã tập trung phân tích, thảo luận những thuận lợi, tiềm năng và khó khăn trong việc phát triển Tây Bắc, đề xuất phương hướng, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các nguồn lực từ hợp tác quốc tế.

            Tây Bắc là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng của Quốc gia, có diện tích đất rộng, đất lâm nghiệp trên 8 triệu ha, diện tích mặt nước trên 95 nghìn ha, hệ thống sông, suối và hồ nước tạo ra tiềm năng thủy điện và nuôi trồng thủy sản, trữ lượng khoáng sản cao. 

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên để phát triển vùng Tây Bắc, thông qua các chương trình xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và đầu tư cơ sở hạ tầng. Tính từ năm 2008 đến tháng 11/2013, nguồn vốn ODA được ký kết để phát triển Tây Bắc đạt 2.064,99 triệu USD, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo được ưu tiên cao nhất với 731,82 triệu USD, chiếm 35,44 % tổng vốn ODA.

Kinh tế xã hội vùng Tây Bắc đã đạt được sự tiến bộ nhất định, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo gần 26 % (cao gấp 3 lần so với trung bình chung của cả nước), số huyện nghèo chiếm gần 70 % của cả nước, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thuận lợi, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)  của nhiều tỉnh Tây Bắc (do VCCI công bố) còn ở mức thấp. Tây Bắc còn nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục và dạy nghề thấp nhất trong cả nước.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết trong thời gian gần đây, một số tỉnh như Lào Cai, Thái Nguyên đã đạt được chỉ số PCI cao, dẫn đầu khu vực, đã nâng cao chất lượng cải cách hành chính, điều hành kinh tế và các kinh nghiệm quý báu này cần được lan tỏa, đồng hành cùng các địa phương khác. Đẩy mạnh phát triển Tây Bắc không chỉ vì  khu vực này có vị trí địa – chính trị chiến lược quan trọng, mà còn là sự thể hiện trách nhiệm và tình cảm của chúng ta với cái nôi của cách mạng, khu căn cứ địa kháng chiến. Để cải thiện được môi trường đầu tư, kinh doanh, cần đổi mới tư duy, nhận thức về doanh nghiệp và phát triển vùng: coi trọng vai trò của các doanh nghiệp, coi sự thành công của các doanh nghiệp là sự thành công của chính quyền, coi doanh nghiệp là đối tác đồng hành chứ không chỉ là đối tượng cần quản lý. Doanh nghiệp có thể tham mưu, tư vấn cho việc xây dựng chính sách, chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho địa phương. Tỉnh Lào Cai đã thực hiện rất thành công phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”.     Tuy nhiên hiện tại số lượng các doanh nghiệp ở Tây Bắc còn thấp, nếu tính theo tỷ lệ trên đầu người là 13 doanh nghiệp/1000 dân, thấp hơn cả Tây Nguyên và các khu vực khác trong cả nước. Doanh nghiệp tại Tây Bắc chủ yếu là doanh nghiệp xây dựng, khai thác khoáng sản, số doanh nghiệp thuộc khu vực sản xuất và khu vực nông nghiệp còn khiêm tốn. Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị lãnh đạo các tỉnh Tây Bắc đẩy mạnh cải cách hành chính, cần thể hiện quyết tâm cải cách thì mới có thể cải thiện được môi trường đầu tư, kinh doanh theo xu hướng thân thiện, minh bạch, năng động, thu hút được đầu tư trong nước và nước ngoài. Ông cũng đề nghị thành lập Diễn đàn kinh tế và an sinh xã hội cho vùng Tây Bắc, được tổ chức thường xuyên hàng năm.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo các tỉnh, sự phối hợp của chính quyền với các doanh nghiệp là rất quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Ông chỉ ra một số hạn chế như việc thực hiện cơ chế phối hợp, chia sẻ của các Bộ, Ngành Trung ương, địa phương, nhà tài trợ nếu không chặt chẽ sẽ dẫn đến sự trùng lặp hoạt động của nhiều chương trình, dự án. Những trở ngại khác là ngân sách hạn hẹp nên khó phân bổ vốn đối ứng cho các dự án ODA, sự hạn chế về năng lực cán bộ thực hiện các dự án.

Theo Ông Đôn Tuấn Phong, Phó chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam: dự án của các tổ chức phi chính phủ (NGO) thường có thủ tục và cách tiếp cận nhanh chóng, quy mô nhỏ, nhưng thiết kế các hoạt động gắn kết trực tiếp với đời sống người dân nên dễ thấy hiệu quả, tuy nhiên, một số tổ chức cũng có hoạt động phức tạp. Việc thu hút các dự án NGO cần sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc cải thiện môi trường pháp lý, chủ động xác định các lĩnh vực, địa bàn ưu tiên, nâng cao năng lực của cơ quan đầu mối, tăng cường chia sẻ thông tin.

Ts.Nguyễn Văn Bao - Hiệu trưởng Nhà trường tham dự hội nghị

PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng quy hoạch phát triển kinh tế Tây Bắc cần có tầm tư duy, cách tiếp cận mới. Tây Bắc cần tự tổng kêt những bài học kinh nghiệm vươn lên của Thái Nguyên, giữ danh hiệu của Lào Cai. Khó khăn về giao thông của Tây Bắc ảnh hưởng tới khả năng kết nối vùng, tức là ảnh hưởng tới tiếp cận thị trường. Do vậy, cần tìm cách làm gia tăng giá trị sản phẩm thông qua nông nghiệp và công nghiệp công nghệ cao, học tập các mô hình phát triển của Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Israel. Nền công nghiệp phải thoát khỏi tư duy đào mỏ. Thể chế tầm quốc gia cũng phải thay đổi, Trung ương cần khẩn trương, tích cực, hiệu quả trong tái cơ cấu và mô hình tăng trưởng. Tây Bắc cần có thể chế đặc thù, quy hoạch phát triển vùng theo cách tiếp cận mới, tư duy theo hướng làm giầu chứ không chỉ lo xóa đói giảm nghèo.

Ông Bùi Văn Thịnh, Phó Ban Kinh tế Trung ương, phân biệt: môi trường cứng cho các nhà đầu tư là hạ tầng kỹ thuật, còn môi trường mềm là PCI, các dịch vụ tài chính, pháp lý. Nhà đầu tư nào cũng tính tới chi phí cơ hội và rủi ro đầu tư, nên cần có thể chế phù hợp ở tầm quốc gia và thể chế đặc biệt, ưu đãi cho vùng, trên cơ sở đó tạo ra những đột phá về chính sách. Việc kết nối cho Tây Bắc cần lưu ý tới chiến lược phát triển sáu hành lanh kinh tế quốc gia và Tây Bắc liên quan tới các hành lang kinh tế này.

 Đại sứ Hàn Quốc Jeon Dea Ju phân tích những thuận lợi, khó khăn của vùng Tây Bắc và Ông cũng nhất trí rằng Tây Bắc cần được quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa từ Chính phủ và cộng đồng quốc tế trong các chương trình phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Ông nhấn mạnh sự  cần thiết tăng cường hợp tác của chính phủ với các tổ chức quốc tế.

Trong niềm xúc động về với Đất Tổ, Chủ tịch Lào Cai Doãn Văn Hưởng chia sẻ nhưng kinh nghiệm đáng quý về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh thông qua các chương trình "Lào Cai tấn công đói nghèo", phát huy thế mạnh của các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, đồng hành cùng doanh nghiệp, phát triển khu kinh tế cửa khẩu. Lào Cai đã thành lập Tổ công tác để thường xuyên liên hệ, giải quyết kịp thời đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp. Ông cũng rút ra những bài học thành công của Lào Cai là tính năng động, quyết tâm chính trị của bộ máy lãnh đạo, đổi mới tư duy trong quan hệ với các doanh nghiệp, chuyển từ phương châm quản lý doanh nghiệp sang phục vụ doanh nghiệp, chứng minh chữ "Tín" với các nhà đầu tư, giải quyết các "điểm nghẽn" cho doanh nghiệp trên địa bàn, nâng cao tính chuyên nghiệp của Ban Quản lý các Dự án ODA cấp Tỉnh, tăng cường khả năng liên kết vùng. Ông cũng đề nghị Chính phủ có định hướng chiến lược trong thu hút các dự án ODA và NGO, thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin, các Bộ, Ngành Trung ương khi thẩm định các dự án cần có ý kiến của các nhà tài trợ.

Kết luận Hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương xây dựng Chương trình hành động cụ thể để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó chú trọng khắc phục hạn chế về nguồn lực lao động, chuẩn bị mặt bằng sản xuất, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, tăng cường chia sẻ thông tin, khắc phục các bất cập trong thu hút nguồn vốn ODA và NGO. Các tỉnh Tây Bắc  và các Bộ, Ngành cần tích cực phối hợp để nắm bắt thông tin, tranh thủ sự ủng hộ, vận động các nguồn vốn ODA và NGO, thiết lập các chính sách phù hợp. Tây Bắc cần phát huy thế mạnh đặc trưng của vùng về các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, đẩy mạnh công nghiệp chế biến, thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo song song với phát triển các doanh nghiệp. Đề nghị sự hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế cho vùng Tây Bắc, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng Chính phủ luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đối tác quốc tế, các nhà đầu tư và Chính phủ khẳng định sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư vào Tây Bắc thành công.

Đoàn công tác của Trường Đại học Tây Bắc đã tiếp thu được những thông tin, ý tưởng quý giá, những quan điểm chỉ đạo mang tính chiến lược về phát triển vùng Tây Bắc. Từ đó đổi mới tư duy và tiếp tục hoạch định các chương trình hành động phù hợp, sáng tạo, đặc biệt  trong việc thực hiện các nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Nhà trường, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển bền vững của vùng Tây Bắc.