Seminar “Ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước”

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Sáng ngày 27.5.2014, tại phòng họp 4 của trường Đại học Tây Bắc nhóm tác giả của Dự án “Đánh giá mối đe dọa đến chất lượng nguồn nước cung cấp cho thành phố Sơn La” đã tổ chức buổi seminar nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu trong giai đoạn 1 của dự án.

Đến dự với buổi seminar có TS. Đoàn Đức Lân – Phó Hiệu trưởng, ThS. Vũ Hồng Kim – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Chuyển giao công nghệ; cùng một số các thầy cô, các bạn sinh viên có tham gia dự án đến từ các Khoa Sử - Địa, Sinh Hóa, Nông Lâm.

Sự tham gia của các thầy cô và sinh viên trong buổi seminar của LMNS TBU

          Mở đầu buổi seminar, TS Đoàn Đức Lân đã chia sẻ một số thông tin về Liên minh nước sạch (LMNS) và sự tham gia cũng như vai trò của LMNS trường Đại học Tây Bắc (TBU). LMNS có tên đầy đủ là Liên minh vận động chính sách kiểm soát ô nhiễm nước. LMNS ra đời cùng hoạt động với 6 liên minh khác (liên minh đất rừng, liên minh khoáng sản...) với mục đích trọng tâm của LMNS chính là việc đưa ra bản kiến nghị góp phần vào sự ra đời của Luật kiểm soát ô nhiễm nước. Sau khi Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Chuyển giao công nghệ kí kết với LMNS, nhóm LMNS TBU được thành lập và dự án LMNS TBU thực hiện chính là việc tìm ra các mối đe dọa đối với nguồn cung cấp nước cho thành phố Sơn La.

          Ô nhiễm nước là vấn đề nan giải, cấp thiết và thông qua đoạn clip ngắn nói về tình trạng ô nhiễm nước (từ nguyên nhân, hậu quả, thực trạng ô nhiễm nước ở Việt Nam đặc biệt là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) do nhóm chuẩn bị đã đem đến cho các thành viên tham dự những cách nhìn cụ thể hơn, chi tiết hơn về tình trạng này. Mặt khác, cũng thấy rõ được hậu quả của tình trạng ô nhiễm nước với các căn bệnh cấp và mãn tính.

          Theo kế hoạch của buổi seminar, Giảng viên (GV) Nguyễn Tiến Chính (Khoa Nông Lâm) là người đầu tiên đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả tham gia hoạt động của LMNS và sự tham gia của TBU. Đặc biệt, GV đã nhấn mạnh sự tham gia và hưởng lợi của LMNS TBU trong đó bản thân mỗi thành viên của nhóm đều đã được tham gia nhiều buổi hội thảo, hội nghị nhằm nâng cao năng lực, trình độ trong công tác nghiên cứu khoa học. Tiếp đó, GV đã trình bày ứng dụng công nghệ GIS nhằm xác định phạm vi không gian của lưu vực nghiên cứu (suối Bó Cá). Bằng phần mềm này nhóm đã xác định phạm vi lưu vực nghiên cứu bao gồm 12 xã, trong đó có 3 xã Muổi Nọi, Chiềng Cọ, Chiềng An chiếm diện tích chủ yếu do vậy nhóm đã lựa chọn 30 hộ gia đình tại 3 xã để tiến hành quá trình điều tra theo bảng hỏi và bước đầu đã thu được một số kết quả đáng ghi nhận.

          Tiếp theo, GV Bùi Thị Sửu (Khoa Nông Lâm) đã báo cáo tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu trên một số loại cây trồng tại 3 xã nhóm tiến hành điều tra. Kết quả điều tra cho thấy rõ tỉ lệ các hộ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ sâu tương đối lớn song phần lớn lại chủ yếu sử dụng kinh nghiệm, chưa nhận được sự hướng dẫn, khuyến cáo của các bên có liên quan.

GV Bùi Thị Sửu đại diện LMNS TBU báo cáo trong buổi seminar

Cà phê là loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao đối với hầu hết các hộ được điều tra, tuy nhiên quá trình trồng, chăm sóc và chế biến cà phê lại có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn cung cấp nước. GV Nguyễn Thị Hồng Nhung (Khoa Sử - Địa) đã chia sẻ một số kết quả về hiện trạng gây ô nhiễm nguồn nước do việc chế biến cà phê tại các xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Huổi Mọi. Theo đó có tới 93,3% các hộ áp dụng phương pháp chế biến ướt, mặc dù phương pháp này đem lại hiệu quả kinh tế cao song lại ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước. Hệ thống máy móc xát cà phê còn mất vệ sinh, hệ thống nước thải gây mùi hôi thối đã ảnh hưởng đến môi trường không khí; các hộ đều có hố xả nước thải và 1 số hộ còn sử dụng thuốc khử mùi tuy nhiên thực tế cho thấy các hố chứa nước thải chưa thật đúng quy chuẩn, còn mất vệ sinh, tạm bợ.

Để chứng minh mức độ ảnh hưởng của việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu và nước xả thải chế biến cà phê đến nguồn nước, nhóm dự án gồm các thầy, sinh viên Khoa Sinh Hóa đã tiến hành lấy 3 mẫu nước tại hang Tát Tòng và 2 hộ dân khác. Tại buổi seminar, qua phần báo cáo của mình GV Nguyễn Đình Thoại đã chỉ rõ các chỉ tiêu nhóm tiến hành phân tích (pH, DO, COD, BOD5, độ đục, Zn, Cu, Pb…) và kết quả cho thấy các chỉ số đều nằm trong giới hạn cho phép của TCVN. Việc phân tích các mẫu nước đều được nhóm thực hiện bằng hệ thống thiết bị của trường, qua đây góp phần nâng cao, hoàn thiện kĩ năng thực hành của sinh viên.

Sau phần báo cáo của 4 thành viên LMNS TBU, ThS Vũ Hồng Kim đã có một số ý kiến chia sẻ, gợi mở thêm các hướng nghiên cứu mới cho nhóm nhằm hoàn thiện dự án. Theo ý kiến của thầy, buổi seminar đã tạo không khí nghiên cứu khoa học rất tốt, các kết quả nghiên cứu có sức thuyết phục cao, nghiên cứu của nhóm có ý nghĩa và thiết thực trong việc bảo vệ môi trường... Báo cáo của GV Nguyễn Tiến Chính về sự hoạt động của liên minh, vai trò của TBU đến việc triển khai các nội dung đã được thầy đánh giá cao sự chuẩn bị đầu tư về trí tuệ, thời gian, công sức; nhóm đã đưa ra số liệu, thông tin khoa học tin cậy, có sự ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả. Mặt khác, thầy cũng góp ý về việc nâng cao số mẫu điều tra, khu vực, phạm vi tiến hành điều tra nên được mở rộng và có thể lấy mẫu nước ở những khu vực, khoanh vi nghi bị ô nhiễm tại các thời điểm khác nhau.

GV Phạm Anh Tuân – Trưởng bộ môn Địa lí tự nhiên và Phương pháp cũng đã chia sẻ, dự án của LMNS đã thể hiện sự liên minh của nhóm nghiên cứu từ các khoa; kết nối thêm với các bạn sinh viên, gắn kết được công tác nghiên cứu và đào tạo. Mong muốn các giảng viên có phương thức nghiên cứu hiệu quả, có sự kết nối với sinh viên, qua đây có thể góp phần nâng cao hiệu quả nghiên cứu của TBU.

Kết thúc buổi seminar, TS Đoàn Đức Lân đã có những ý kiến chỉ đạo, định hướng cho quá trình nghiên cứu của nhóm nghiên cứu. Theo ý kiến của thầy, nguồn kinh phí cho dự án đầu tư tuy không lớn song đã góp phần nâng cao năng lực của GV, SV; nghiên cứu của nhóm đã công bố các kết quả tin cậy, không hình thức, có hàm lượng chuyên môn cao. Thông qua các dự án nhỏ như vậy sẽ góp phần thiết lập mối quan hệ giữa các đối tác, giữa các ngành; giúp các cán bộ trẻ tự tin, chủ động trong nghiên cứu. Trong thời gian tới mô hình liên kết bộ môn với nhiều chuyên ngành khác nhau sẽ được thúc đẩy, tạo điều kiện tham gia, học hỏi kinh nghiệm giữa các GV trong trường. Trên cơ sở nghiên cứu của dự án, các GV, SV có thể đề xuất đề tài cấp trường, cấp tỉnh hoặc cấp cao hơn phù hợp với chuyên ngành của mình.

          Buổi seminar đã thành công tốt đẹp, thầy cô và các bạn sinh viên đến dự đã thấy được kết quả bước đầu của nhóm LMNS TBU; học hỏi và trao đổi thêm nhiều kinh nghiệm nghiên cứu khoa học. Buổi seminar hứa hẹn sự thành công, sự hợp tác lâu dài trong sự liên kết bộ môn trong trường.