Bộ môn Tâm lí - Giáo dục tổ chức hoạt động thường niên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giảng viên và sinh viên

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Trong hai ngày 28, 29/3/2014 PGS.TS. Đặng Quốc Bảo - Nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục Trung ương 1,  đã có buổi nói chuyện đầy tâm huyết với cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Tây Bắc về những vấn đề “ Giới thiệu một số tư liệu về cuộc đời và tư tưởng giáo dục của chủ tịch Hồ Chí Minh” và “Bối cảnh mới của phát triển giáo dục và đổi mới tư duy quản lí giáo dục”.

Đến dự với buổi nói chuyện của PGS.TS Đặng Quốc Bảo có TS. Đoàn Đức Lân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc; các lãnh đạo thuộc các Phòng, Khoa; các giảng viên Bộ môn Tâm lí - Giáo dục và toàn thể các em sinh viên K54 Trường Đại học Tây Bắc.

Buổi nói chuyện đã mang lại cho người nghe những tư liệu hết sức quý giá về cuộc đời, tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như sự đổi mới trong tư duy giáo dục. Theo PGS.TS. Đặng Quốc Bảo: Cái cốt lõi của việc đổi mới trong tư duy giáo dục chính là việc xác định và xây dựng “minh triết giáo dục” cho một nền giáo dục của mỗi quốc gia. Minh triết giáo dục phải được xây dựng trên cơ sở việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, những tư tưởng giáo dục trong Nho giáo, tư tưởng giáo dục trong triết học Mác - Lênin và tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh…Cuối cùng mục đích của giáo dục là hình thành cho thế hệ trẻ những giá trị bản thân dựa trên nền tảng giá trị dân tộc để người học có ý thức trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện và tự tin khẳng định bản thân mình trước tập thể, cộng đồng và thế giới.

Buổi nói chuyện còn đọng lại mãi trong lòng thầy và trò Trường Đại học Tây Bắc về hình ảnh một người thầy - PGS.TS. Đặng Quốc Bảo, người thầy giáo hội tủ đủ cái tài, cái tâm và năng lực sư phạm. Sự tác động sư phạm của thầy không chỉ tác động đến trí óc mà quan trọng hơn đó là sự tác động đến trái tim. Đây chính là bài học sư phạm mà mỗi nhà giáo cần hình thành cho mình trong hành trang nghề nghiệp. ./.