Bộ môn Địa lí – khoa Sử Địa tổ chức thành công hội thảo: “Địa lí học với vấn đề ô nhiễm môi trường”

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Thiết thực kỉ niệm 42 năm Ngày Môi trường Thế giới (5/6/1972 – 5/6/2014),Bộ môn Địa lí Khoa Sử Địa đã tổ chức Hội thảo “Địa lí học với vấn đề ô nhiễm môi trường”. Hội thảo đã nhận được gần 40 báo cáo của các nhà khoa học từ các trường Đại học ngoài trường như: Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Huế, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, Bảo tàng sinh vật học. Hội thảo cũng nhận được các báo cáo của các giảng viên Khoa Sử Địa, Khoa Nông – Lâm, Trường Chu Văn An…

 

Đến dự hội thảo có Tiến sĩ Đoàn Đức Lân, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, có Thạc sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng khoa Nông Lâm, Thạc sĩ Đinh Thị Hoa, Trưởng bộ môn Quản lí tài nguyên môi trường, các giảng viên của khoa Sử Địa.

Hội thảo tập trung vào hai nội dung chủ yếu đó là vấn đề ô nhiễm môi trường trên thế giới và Việt Nam và ô nhiễm môi trường ở các địa phương. Hội thảo đặc biệt quan tâm tới vấn đề chất lượng nước ở tỉnh Sơn La.

TS. Đoàn Đức Lân - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại Hội thảo

 

Trước khi diễn ra hội thảo, một chương trình văn nghệ đặc sắc về tình yêu đất nước, tình yêu biển đảo quê hương đã hun nóng tình yêu quê hương đất nước của đại biểu dự hội thảo. Xúc động nhất là cả hội trường hòa chung vào bài ca quốc ca, thể hiện tình yêu Tổ quốc. Hoàng Sa - Trường Sa không xa trong lòng Tây Bắc bằng một việc làm ý nghĩa, đó là nhắn tin gửi tới quân dân quần đảo Hoàng Sa để ủng hộ 18.000 đồng. Đồng loạt gần 300 tin nhắn đã được gửi đến Hoàng Sa cùng góp sức bảo vệ biển – đảo quê hương của Tổ quốc.

Sau khi nghe các báo cáo, Hội thảo đã thảo luận sôi nổi. Đã có hơn 20 câu hỏi xoay quanh các vấn đề được trình bày trong hội thảo. Các báo cáo viên cũng đã trả lời và bàn luận nhiều vấn đề quanh các nội dung trên. Hội thảo cũng được nghe nhiều ý kiến và các câu hỏi của TS Đoàn Đức Lân, ThS Nguyễn Văn Dũng, ThS. Đinh Thị Hoa, ThS. Nguyễn Tiến Chính. Không khí Hội thảo diễn ra sôi nổi, cởi mở, khoa học. Sinh viên đã tiếp thu được nhiều nội dung khoa học, đồng thời học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong báo cáo khoa học, trong cách đặt câu hỏi thảo luận. Những người tham dự Hội thảo đều nhận thức được rất rõ về vai trò trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường.

Hội thảo khoa học đã thành công tốt đẹp do có sự chuẩn bị chu đáo, do có sự tham gia tích cực của các nhà khoa học, các giảng viên của Khoa Sử Địa và do sự đóng góp tích cực của các em sinh viên ngành Địa lí. Kết luận hội thảo, Tiến sĩ Đỗ Thúy Mùi đã tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoạt động nghiên cứu khoa học của Bộ môn Địa lí thu được nhiều thành công hơn, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên môi trường,  đề nghị tập hợp các bài báo khoa học để in trong tạp chí Khoa học Giáo dục, đề nghị chuẩn bị nội dung để có thể nâng cấp tổ chức hội thảo cấp Quốc gia: “Môi trường và phát triển bền vững vùng Tây Bắc”.

Hy vọng rằng với niềm đam mê khoa học của các giảng viên Địa lý và sự quan tâm của Nhà trường, sự phối hợp tích cực của các đơn vị, cơ quan, tổ chức trong cùng lĩnh vực, công tác nghiên cứu khoa học của các giảng viên, học viên, sinh viên ngành Địa lý tại Trường Đại học Tây Bắc sẽ thành công như mong muốn.