You are here: HomeGiới thiệuGroup1Giới thiệu chungLịch sử phát triểnLịch sử Trường Đại học Tây Bắc (Phần 2)

Lịch sử Trường Đại học Tây Bắc (Phần 2)

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

Sự phát triển của Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc thời kỳ 1981 - 2000

2.1. Sự ra đời Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc

Sau 5 năm, kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước thắng lợi, nhân dân ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng cũng phải trải qua không ít những khó khăn, thử thách. Từ năm 1981, thiên tai mất mùa diễn ra liên tiếp ở cả ba miền của đất nước, hậu quả của cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc vẫn chưa được khắc phục, tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới và sự kìm hãm của cơ chế quan liêu bao cấp đã đẩy nước ta lâm vào khủng hoảng trầm trọng, lạm phát tăng nhanh, đời sống của nhân dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

Trong bối cảnh chung đó, Trường Sư phạm cấp II (10+3) Tây Bắc vốn là một trường miền núi xa xôi, điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương còn khó khăn, lạc hậu, do đó việc duy trì hoạt động và phát triển của Nhà trường là một thách thức to lớn. Tuy nhiên, vượt lên mọi khó khăn thử thách, được sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu cùng toàn thể giáo viên, cán bộ Nhà trường đã cố gắng duy trì hoạt động phát triển Nhà trường cả về số lượng, chất lượng, cũng như quy mô và loại hình đào tạo.

Đến năm 1981, đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ hành chính và phục vụ cũng được bổ sung đông đảo, nâng tổng số cán bộ, giáo viên, cán bộ Nhà trường lên 252 người.

Các tổ chức đoàn thể quần chúng: Công đoàn, Đoàn Thanh niên cũng đẩy mạnh các mặt hoạt động phục vụ tích cực nhiệm vụ đào tạo của Trường.

Trong thời gian này, Nhà trường phối hợp với các tổ chức đoàn thể quần chúng mở rộng quan hệ kết nghĩa với các địa phương nơi Trường đóng như thị trấn Thuận Châu, xã Chiềng Ly, xã Thôm Mòn, xã Tông Lệnh, xã Chiềng Bôm (nơi xây dựng Cơ sở 2 của Trường). Để góp phần củng cố mối quan hệ với các địa phương, hàng năm vào mùa gặt, Nhà trường cử các đoàn giáo viên, giáo sinh đi lao động giúp dân, ngày hè thường tổ chức đi dạy bổ túc văn hoá hoặc xoá mù. Ngoài ra, Nhà trường còn cử các đội văn nghệ xung kích đi biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào địa phương và bộ đội biên phòng đóng nơi biên cương phía Tây Bắc của Tổ quốc.

Trước sự lớn mạnh của Nhà trường về tất cả các mặt và nhu cầu chuẩn hoá đội ngũ giáo viên cấp II có trình độ cao đẳng sư phạm của địa phương, từ năm 1980, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường đã đề xuất với Bộ Giáo dục nâng cấp Trường thành Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc.

Ngày 06 tháng 04 năm 1981, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 146/CP, nâng cấp Trường Sư phạm cấp II (10+3) Tây Bắc thành Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc. Những điều cơ bản quy định trong Quyết định của Chính phủ như sau:

“Điều 1. Công nhận Trường Sư phạm cấp II 10+3 Tây Bắc là Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc và giao cho Bộ Giáo dục quản lí.

Điều 2. Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cấp II có trình độ cao đẳng sư phạm phục vụ cho nhu cầu phát triển của hai tỉnh Sơn La và Lai Châu.

Điều 3. Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc thuộc hệ thống giáo dục Đại học và Cao đẳng được hưởng các chính sách chế độ mà Nhà nước đã quy định cho các trường Đại học và Cao đẳng.

Điều 4. Phụ trách Trường do một Hiệu trưởng, giúp việc Hiệu trưởng có một số Phó Hiệu trưởng…”

Trường Sư phạm cấp II (10+3) Tây Bắc được công nhận là Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc không chỉ là sự thay đổi thuần tuý về tên gọi mà còn là sự khẳng định bước phát triển mạnh mẽ về chất của Nhà trường. Từ đây, Nhà trường đã đào tạo đội ngũ giáo viên cấp II có trình độ chuẩn quốc gia - cao đẳng sư phạm, cho các tỉnh Tây Bắc. Đây là kết quả của quá trình phấn đấu xây dựng không mệt mỏi của các thế hệ giáo viên, cán bộ, giáo sinh đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách đưa Nhà trường không ngừng phát triển đi lên. Việc công nhận Nhà trường là Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc cũng thể hiện sự quan tâm của Trung ương mà trực tiếp là Bộ Giáo dục đối với sự nghiệp giáo dục ở miền Tây Bắc của Tổ quốc, nơi mà sự nghiệp giáo dục còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhu cầu về giáo dục luôn đặt ra bức thiết.

2.2. Sự phát triển của Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc thời kỳ 1981 - 2000

2.2.1. Giai đoạn 1981 - 1990

Đầu những năm 80, kinh tế - xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn, tác động của khủng hoảng ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nước ta.

Trong bối cảnh chung đó, là một trường đóng trên địa bàn vùng núi, Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc gặp phải muôn vàn khó khăn, thử thách mà lớn nhất là khó khăn về cơ sở vật chất.

Hệ thống nhà ở của cả thầy và trò, lớp học, đường sá và các tiện nghi phục vụ cho giảng dạy, học tập, sinh hoạt còn rất tạm bợ. Cơ sở vật chất không đủ đáp ứng với nhiệm vụ chính trị mà Nhà trường phải gánh vác. Việc giải quyết nhu cầu sinh hoạt hàng ngày gặp vô vàn khó khăn. Có những thời điểm, bếp ăn tập thể giáo viên và giáo sinh chỉ vay đủ gạo để nấu cháo, thậm chí có ngày phải đặt bánh sắn ở cửa hàng ăn uống Thuận Châu cho cán bộ, giáo viên và giáo sinh ăn thay cơm. Việc các gia đình giáo viên, cán bộ đi xếp sổ mua gạo từ 1- 2 giờ sáng là chuyện thường xuyên. Việc thực hiện chế độ Giá - Lương - Tiền, bù giá vào lương và đổi tiền đã gây ra những xáo trộn lớn. Đồng tiền lạm phát đến chóng mặt làm cho đời sống giáo viên, cán bộ, giáo sinh lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn. Nhiều gia đình cán bộ giáo viên phải tính kế sinh nhai bằng một số nghề phụ như làm vườn, nuôi lợn hoặc các nghề phụ khác.

Trong bối cảnh lịch sử đó, vượt qua mọi khó khăn thử thách, Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc vẫn trụ vững và phát triển.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, tập thể cán bộ giáo viên Nhà trường đã nỗ lực, cố gắng thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị trung tâm là đào tạo đội ngũ giáo viên cấp II cho các tỉnh Tây Bắc. Chính vào thời điểm khó khăn nhất, chất lượng đào tạo của Trường ngày càng được nâng cao, tỷ lệ tốt nghiệp của giáo sinh hàng năm đều đạt từ 95 % trở lên.

Năm 1982 kết thúc khóa đào tạo giáo viên 10+3 cuối cùng, Nhà trường từ đó chỉ đào tạo hệ cao đẳng chính quy, cao đẳng bồi dưỡng và Dự bị cao đẳng 7+2. Kết thúc năm học 1982 - 1983, Nhà trường đã cho ra đời những sản phẩm đầu tiên của hệ cao đẳng sư phạm chính quy.

Trên thực tế, ở các vùng sâu, vùng xa của Tây Bắc, do thiếu giáo viên, nên tình trạng giáo viên phải dạy “kê” nhiều môn học, kể cả những môn không được học là chuyện phổ biến. Do đó, từ 1984, Nhà trường chuyển sang đào tạo ban rộng: Văn - Sử - Giáo dục công dân, Toán - Lí, Sinh - Hóa, Sinh - Địa. Sự điều chỉnh sang đào tạo ban rộng có ý nghĩa to lớn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của sự nghiệp giáo dục ở các địa phương Tây Bắc.

Từ năm học 1986 - 1987, Nhà trường bắt đầu mở các lớp Dự bị 1 năm để đáp ứng nguồn đào tạo, vì thời điểm này thí sinh dự thi vào Trường ít, thường không đủ chỉ tiêu tuyển sinh.

Ngoài việc đào tạo giáo viên cho hai tỉnh Sơn La, Lai Châu, trong khoá học 1984 - 1987, Nhà trường còn làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho Nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào, đã có 14 sinh viên hệ cao đẳng chính quy tốt nghiệp trở về nước công tác.

Về công tác đào tạo đội ngũ, từ đầu những năm 1980, số lượng giáo viên của Trường tăng lên nhanh chóng. Nhiều thầy, cô tốt nghiệp các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Việt Bắc, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Sư phạm Vinh... tiếp tục được Bộ Giáo dục điều lên tăng cường cho Nhà trường.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ giáo viên của Trường không ổn định, số cán bộ giảng dạy hàng năm chuyển vùng rất lớn. Tình hình đó đặt ra yêu cầu phải ổn định đội ngũ cán bộ giảng dạy mới có thể củng cố được đội ngũ, nâng cao chất lượng đào tạo. Trước yêu cầu đó Đảng uỷ, Ban Giám hiệu đã có tầm nhìn chiến lược về công tác quản lí cán bộ và đào tạo đội ngũ.

Trong những năm 1983 - 1985, ngoài việc tiếp tục cử các học sinh Dự bị dự thi vào các trường đại học, hàng năm, Nhà trường còn chọn 20 - 30 sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm gửi đi học chuyên tu ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và Trường Quản lí Giáo dục. Sau khi tốt nghiệp, số sinh viên này trở về Trường công tác, bổ sung một số lượng đáng kể vào đội ngũ cán bộ giảng dạy của Trường.

Cùng với công tác đào tạo, công tác xây dựng cơ sở vật chất của Trường thời gian này cũng được các cấp lãnh đạo quản lí quan tâm, xúc tiến đầu tư trong khả năng cho phép của Nhà trường. Khu nhà làm việc của Ban Giám hiệu và một số phòng, ban, khoa đã được xây dựng khang trang hơn, mặc dù qui mô xây dựng còn rất khiêm tốn. Toàn bộ khu nhà ở của sinh viên và khu lớp học đã được xây cấp 4, chấm dứt tình trạng nhà tranh, vách đất kéo dài hàng chục năm.

Việc mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập của Trường vẫn được tiến hành thường xuyên. Các loại hoá chất cho phòng thí nghiệm thực hành của khoa Sinh - Hoá, Toán - Lý, cùng nhiều thiết bị phục vụ giảng dạy cho các bộ môn ngày càng được tăng cường. Riêng Thư viện của Trường hàng năm đã được mua sắm thêm hàng trăm đầu sách, phần nào đã đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và học tập của giáo viên, cán bộ và giáo sinh. Một số nhà ở khu vực gia đình đã được Nhà trường hỗ trợ xây dựng; nhiều gia đình không tự lo được nhà ở đã được Nhà trường hỗ trợ vật liệu, cấp cho vật liệu thanh lý để làm nhà.

Để ngang tầm với nhiệm vụ chính trị của Nhà trường trong giai đoạn mới, tháng 10/1988, Đảng bộ Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc tiến hành Đại hội nhiệm kỳ XV. Trên tinh thần dân chủ công khai, nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội đã chỉ rõ những tồn tại, yếu kém của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ công tác và dành nhiều thời gian để bàn về vấn đề đổi mới Nhà trường một cách toàn diện. Những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành được Đại hội phân tích cụ thể, chính xác. Đại hội đã bầu lại đồng chí Nguyễn Thiện Tề làm Bí thư Đảng uỷ, hai đồng chí Quàng Văn Tịch, Nguyễn Thị Mai Suối làm Phó Bí thư Đảng uỷ, hai đồng chí Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Ngọc Luân làm Uỷ viên Thường vụ và 6 đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng uỷ. Tuy nhiên, do nhiều lí do khác nhau, các đồng chí trong Ban Giám hiệu và một số cán bộ chủ chốt của Nhà trường không nằm trong Ban Chấp hành Đảng bộ. Vì thế trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng uỷ và Ban Giám hiệu gặp không ít khó khăn.

Trên tinh thần đổi mới, bầu không khí chính trị trong Trường trở nên sôi động, xu hướng dân chủ công khai được mở rộng trong cán bộ, giáo viên và sinh viên, tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình trong cán bộ đảng viên và quần chúng được đặc biệt coi trọng. Công tác quản lý, điều hành được chấn chỉnh theo hướng quy củ, minh bạch hơn.

Ngay sau khi được kiện toàn, Đảng uỷ đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Công đoàn đổi mới phương thức hoạt động và công tác, nhằm hỗ trợ thật tốt cho công tác đào tạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của Nhà trường.

Những nỗ lực cố gắng của Trường đã được các cấp lãnh đạo Đảng, Chính quyền của Trung ương và địa phương tặng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 1982, Đoàn trường đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng cờ “Đơn vị thi đua khá nhất” khối các trường đại học và cao đẳng. Năm 1983, Nhà trường được Bộ Giáo dục tặng Bằng khen về công tác xây dựng cơ bản. Năm học 1984 - 1985, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Sơn La tặng Bằng khen là “Đơn vị thi đua khá nhất” trong khối các trường chuyên nghiệp và dạy nghề. Từ 1985 đến 1990, Công đoàn Trường liên tục được Công đoàn tỉnh Sơn La tặng Bằng khen là Công đoàn cơ sở vững mạnh.

2.2.2. Giai đoạn 1991 - 2000

Năm 1991, trước những biến động của tình hình chính trị quốc tế, đặc biệt là sự tan rã và sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô đã tác động tiêu cực không nhỏ đối với nước ta. Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII tiếp tục sự nghiệp đổi mới đất nước toàn diện, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Thành quả bước đầu của công cuộc đổi mới đã tạo ra những cơ hội mới, do vậy, Đảng, Chính phủ quan tâm hơn đối với sự nghiệp giáo dục, tổ chức sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, tăng lương cho giáo viên, cán bộ, làm công tác giáo dục bằng nhiều phương thức.

Tuy vậy, Nhà trường lại phải đối mặt với một sự thật hết sức nghiệt ngã đó là sinh mệnh của Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc đã nhiều lần được đặt lên “bàn cân” của Bộ Giáo dục. Đầu năm 1991, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chủ trương sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 để thành lập Trường Đại học Tây Bắc, đóng tại thị xã Hoà Bình.

Năm 1993, Đảng bộ Nhà trường tiến hành Đại hội nhiệm kỳ XVI và đã dành nhiều thời gian thảo luận về đổi mới Nhà trường, củng cố công tác quản lý, lãnh đạo, tăng cường khối đoàn kết thống nhất, xây dựng các phương án để Nhà trường tồn tại và phát triển; không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu về giáo viên của hai tỉnh Sơn La, Lai Châu. Đại hội đã bầu đồng chí Hoàng Lãng làm Bí thư Đảng bộ.

Để duy trì sự tồn tại và phát triển, Nhà trường đã tiến hành nhiều giải pháp, trong đó, giải pháp có tính đột phá là đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ. Từ năm 1993, Nhà trường tiến hành mở các lớp bồi dưỡng tiếng Anh cho giảng viên, cán bộ để chuẩn bị đi học cao học, nghiên cứu sinh; tìm cách mở rộng loại hình đào tạo để tăng qui mô sinh viên, tăng cường chất lượng đào tạo và nghiên cứu, tạo sự phát triển mới cho Trường.

Cũng trong thời gian này, Nhà trường liên tiếp cử giảng giảng viên đi đào tạo trình độ thạc sĩ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Lực lượng được đào tạo nâng cao trình độ chính là một điều kiện để tăng cường chất lượng đội ngũ, góp phần vào sự phát triển Nhà trường giai đoạn sau này.

Cuối 1994, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại có chủ trương sáp nhập Trường với Trường Trung cấp Sư phạm Sơn La làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên Tiểu học, còn nhiệm vụ đào tạo giáo viên Trung học phổ thông và Trung học cơ sở cho các tỉnh Tây Bắc được giao cho Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Sự biến động của Nhà trường, cùng với khó khăn về đời sống đã trực tiếp tác động đến công tác đào tạo của Trường. Năm học 1994 - 1995, số lượng giáo viên, cán bộ cả Trường chỉ còn 154 người và dưới 300 giáo sinh. Nhiều cán bộ, giáo viên tiếp tục xin chuyển về xuôi hoặc về các tỉnh Sơn La, Lai Châu.

Năm 1995, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương giao Trường cho tỉnh Sơn La quản lí để thành lập Trường Cao đẳng Sư phạm Sơn La.

Trước tình hình đó, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường đã có nhiều biện pháp tích cực. Trước hết, Nhà trường đã mở Hội nghị với đại diện của Tỉnh uỷ, Uỷ ban Nhân nhân hai tỉnh Sơn La, Lai Châu bàn về phát triển Nhà trường vào ngày 20/11/1994. Sau đó, Nhà trường cử nhiều đoàn cán bộ đi làm việc với hai tỉnh Sơn La, Lai Châu để kiến nghị với Bộ Giáo dục và Chính phủ để duy trì sự tồn tại của Trường.

Từ năm 1993 đến năm 1995, Nhà trường liên tục mở các lớp ngoại ngữ cho giáo viên, trên 60 giáo viên đã có trình độ C Tiếng Anh. Một số cán bộ giảng dạy đã được Nhà trường cử đi học Tin học ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; có trên 50 giáo viên, cán bộ đã được học Tin học ứng dụng trong công tác.

Năm 1996, Nhà trường bắt đầu mở hệ Cao đẳng Tiểu học. Năm 1997, Nhà trường mở thêm các ban học mới gồm: Văn - Công tác Đội, Sử - Địa, Toán - Tin… Ngoài loại hình đào tạo chính quy, Nhà trường còn mở thêm loại hình đào tạo theo địa chỉ.

Vùng tuyển sinh của Nhà trường ngày càng mở rộng, bao gồm các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương... Hàng năm số thí sinh dự thi vào Trường ngày một đông.

Do những nỗ lực của Nhà trường và để đảm bảo sự công bằng giữa các vùng miền trong cả nước, Chính phủ đã có chủ trương thành lập Trường Đại học Tây Bắc. Sau chuyến thăm và làm việc với các tỉnh khu vực Tây Bắc của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm, ngày 07/05/1998, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 98/TB-VPCP về chủ trương của Chính phủ đối với tương lai của Nhà trường. Những nội dung cơ bản trong thông báo của Phó Thủ tướng như sau:

“...Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu ban hành quy chế đào tạo sau đại học phù hợp với điều kiện khó khăn của các tỉnh Tây Bắc và các vùng có nhiều dân tộc thiểu số; hoàn thiện đề án nâng cấp Trường Trung học Sư phạm Lai Châu thành Trường Cao đẳng Sư phạm Lai Châu và chuẩn bị điều kiện để chuyển Trường Cao đẳng Sư phạm Hoà Bình lên đại học đa ngành.

Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia xem xét xây dựng đề án hình thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ cho khu vực Tây Bắc, có thể đặt tại Sơn La. Trung tâm này sẽ gồm một đại học đa năng, trung tâm nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn, địa chấn, nghiên cứu khoa học nông, lâm nghiệp”.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, ngày 06/12/1999, tại Công văn số 11545/KHTC, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La tạo điều kiện giúp đỡ Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc có thủ tục cấp đất tại địa điểm mới để lập quy hoạch xây dựng và phát triển Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc thành Trường Đại học Tây Bắc.

Nỗ lực cố gắng mọi mặt để vượt qua khó khăn, thử thách, Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc từng bước vươn lên phát triển nhanh chóng.

Từ năm 1991 đến năm 2000, Nhà trường đã đào tạo được trên 2000 giáo viên cấp II có trình độ Cao đẳng Sư phạm thuộc các hệ đào tạo chính qui tập trung, hệ bồi dưỡng, hệ bồi dưỡng đặc biệt để công nhận đặc cách. Những sinh viên của Trường sau khi tốt nghiệp ra công tác ở các địa phương đều có trình độ chuyên môn vững vàng, nhiều người đã trở thành giáo viên giỏi, cán bộ cốt cán ở các tỉnh Tây Bắc.

Công tác xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ được Nhà trường quan tâm đặc biệt. Đến năm 1999, số cán bộ giảng dạy có trình độ Thạc sĩ chiếm gần 40%. Việc bồi dưỡng ngoại ngữ và tin học cho cán bộ, giáo viên cũng được Nhà trường coi trọng.

Công tác xây dựng cơ sở vật chất, sau hơn 10 năm Nhà trường không được cấp kinh phí xây dựng cơ bản nên hệ thống nhà ở, lớp học xuống cấp nghiêm trọng. Tuy vậy, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu đã có những nỗ lực khắc phục khó khăn, tăng cường cơ sở vật chất bằng cách sử dụng hợp lý nguồn kinh phí Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp để chống xuống cấp tu sửa nhà cửa, lớp học. Hàng năm, Nhà trường dành kinh phí khá lớn để mua sắm sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác dạy và học. Số đầu sách mua sắm trong thời gian này lên đến 2000 bản. Hàng tháng, Nhà trường tiếp nhận khoảng 40 đầu báo, tạp chí các loại. Ngoài cơ sở vật chất hiện có, trong thời gian này, Trường đã mua sắm và xây dựng được 2 phòng học ngoại ngữ, trang bị thêm các phòng thí nghiệm Hoá - Sinh, Vật Lý tương đối hiện đại. Đồng thời, Nhà trường cũng đã xây dựng và sửa chữa được 24 phòng học, khu kí túc xá đủ chỗ cho hơn 600 sinh viên. Năm 1999, Nhà trường đã dành nguồn kinh phí Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp làm được gần 500 m đường bê tông.

Các tổ chức đoàn thể quần chúng của Trường là Công đoàn và Đoàn Thanh niên thời gian này đã có nhiều cố gắng, góp phần vào việc củng cố và phát triển Nhà trường về mọi mặt.

Phong trào văn hoá, văn nghệ thể thao của Trường vẫn được duy trì và đó là một trong những thế mạnh của Trường. Hàng năm, Nhà trường tổ chức đều đặn các kỳ hội thao, hội diễn văn nghệ với không khí sôi nổi, chất lượng cao. Trường tham gia thường xuyên “Ngày hội Văn hoá - Thể thao” của tỉnh Sơn La do các trường luân phiên tổ chức. Tháng 10 năm 1998, Nhà trường đang cai tổ chức “Ngày hội Văn hoá - Thể thao” của tỉnh Sơn La với qui mô hoành tráng, nội dung và hình thức phong phú.

Những cố gắng vươn lên của Nhà trường về mọi mặt đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể ghi nhận và tặng nhiều danh hiệu cao quí.

Năm 1998, đồng chí Hoàng Lãng - Bí thư Đảng uỷ, Quyền Hiệu trưởng Nhà trường được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”.

Năm 1999, Nhà trường được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; đồng chí Quyền Hiệu trưởng Hoàng Lãng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba.

Năm 2000, Nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ “Đơn vị tiên tiến xuất sắc”, Công đoàn Trường được Nhà nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba. Ngoài ra, nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Từ năm học 1999 - 2000, Đảng bộ Nhà trường liên tục được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh

Tóm lại, 20 năm xây dựng và phát triển (1981 - 2000) là chặng đường đầy gian nan thử thách, song với bề dày truyền thống, với ý chí quyết tâm và trí tuệ tập thể, Nhà trường vẫn tìm ra giải pháp hiệu quả, có tính chất quyết định bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển đi lên của Trường. Thành tựu lớn nhất trong công tác đào tạo của Nhà trường thời kỳ này là đã đào tạo, bồi dưỡng được 4.219 giáo viên có trình độ 10+3 và cao đẳng sư phạm cho sự nghiệp giáo dục các tỉnh Tây Bắc. Với những thành tựu của Nhà trường đạt được trong thời kỳ này đã góp phần tạo cơ sở, nền tảng để Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc vươn lên trở thành trường đại học đa ngành ở khu vực Tây Bắc.

Mời theo dõi tiếp Phần 3

Trích cuốn "Lịch sử Trường Đại học Tây Bắc 50 năm hình thành và phát triển"