Bạn đang ở: HomeHợp tác quốc tếSeminar – Hội nghị, Hội thảo – Tập huấnHỘI THẢO KHỞI ĐỘNG DỰ ÁN JICA GRASSROOT "CẢI THIỆN THU NHẬP CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN THÔNG QUA TÁI THIẾT NÔNG NGHIỆP TỔNG HỢP KHU VỰC ĐỒI NÚI”

HỘI THẢO KHỞI ĐỘNG DỰ ÁN JICA GRASSROOT "CẢI THIỆN THU NHẬP CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN THÔNG QUA TÁI THIẾT NÔNG NGHIỆP TỔNG HỢP KHU VỰC ĐỒI NÚI”

0
0
0
s2smodern
powered by social2s

     Chiều ngày 23/3/2016 tại Hội trường A2 – Trường Đại học Tây Bắc đã diễn ra Hội thảo khởi động Dự án “Cải thiện thu nhập của người nông dân thông qua tái thiết nông nghiệp tổng hợp khu vực đồi núi” với sự tham dự của gần 200 đại biểu. Về phía Trường Đại học Tây Bắc có TS. Nguyễn Văn Bao – Hiệu trưởng; TS. Đoàn Đức Lân – Phó Hiệu trưởng và kiêm Giám đốc Dự án; đại diện các Phòng, Ban, Khoa của Trường Đại học Tây Bắc; cùng gần 50 giảng viên cán bộ và gần 100 sinh viên. Về phía khách mời có Ông Shinju Yamaguchi – Thị trưởng Thành phố Kasama, cac chuyên gia đến từ Nhật Bản, Bà Cầm Thị Phong – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, Ông Tòng Thế Anh – Phó Giám đốc Sở ngoại vụ tỉnh Sơn La, đại diện các sở Kế hoạch đầu tư, Ủy ban Thành phố Sơn La, Trung tâm khuyến nông tỉnh, Trạm khuyến nông huyện Thuận Châu, Ủy ban Nhân dân Phường Chiềng Sinh, lãnh đạo Bản Tây Hưng và Bản Thẳm.

     Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Bao đánh giá cao những kết quả mà dự án “Nâng cao năng lực Trường Đại học Tây Bắc góp phần phát triển bền vững nông thôn khu vực Tây Bắc” đã làm được trong giai đoạn 2012 – 2015 và rất vui mừng khi Dự án này - sự nối tiếp đã được bắt đầu triển khai. Dự án có ý nghĩa rất lớn đối với người dân khu vực Tây Bắc bởi nó giải quyết vấn đề bức thiết hiện nay đó là sự an toàn của nông sản. TS. Bao hy vọng qua Dự án các giảng viên, cán bộ và sinh viên tham gia sẽ nâng cao được trình độ chuyên môn, học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng, phương pháp làm việc của các chuyên gia Nhật Bản. Trường Đại học Tây Bắc cam kết sẽ làm hết sức mình để mang lại thành công cho Dự án.

TS. Nguyễn Văn Bao phát biểu khai mạc Hội thảo

     Trong bài phát biểu của mình, Ông Shinju Yamaguchi Thị trưởng Thành phố Kasama cũng cho biết rất ấn tượng với sự năng động của Thành phố Sơn La trong lần đầu tiên đến thăm, đó là những trải nghiệm hết sức thú vị đối với ông. Đối với Thành phố Kasama thì nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất và là thế mạnh của Thành phố vì vậy việc hợp tác triển khai Dự án này cũng có rất nhiều thuận lợi. Thành phố Kasama cam kết nỗ lực gắn kết với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức phi lợi nhuận - mạng lưới kỹ thuật có sự tham gia của nông dân quốc tế (IFPaT) và các đối tác để phối hợp thực hiện tốt các hoạt động của Dự án. Bên cạnh đó, Ông Shinju cũng khuyên các bạn sinh viên cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn để giúp ích cho đất nước.

Ông Shinju Yamaguchi – Thị trưởng Thành phố Kasama phát biểu khai mạc

     Hội thảo đã nghe Ông Katsuyuki Uchioke – Giám đốc cơ quan hợp tác nông nghiệp của Thành phố Kasama giới thiệu tổng quan về Thành phố. Với sự ưu đãi của điều kiện tự nhiên, Thành phố Kasama đã lựa chọn trọng tâm phát triển là ngành nông nghiệp, trong đó các sản phẩm thế mạnh như: Hạt dẻ, hoa cúc, lúa gạo…. Sau khi Thành phố thành lập bộ phận tổ chức xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, đã lựa chọn được 39 sản phẩm phát triển thương hiệu theo khẩu hiệu “tinh túy của Kasama”. Ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp của Thành phố cũng là một thế mạnh tạo nên giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp, các hoạt động chế biến được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ ngành công nghiệp chế tạo máy.

     Giáo sư Nishimura – Giám đốc tổ chức IFPaT đã giới thiệu tới toàn thể hội thảo bối cảnh hình thành Dự án từ năm 2007 khi JICA cử một đoàn khảo sát lên khu vực Tây Bắc để lựa chọn nội dung hỗ trợ. Khi đó JICA nhận thấy đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao đời sống người dân là hai trọng tâm chính cần hỗ trợ đối với vùng Tây Bắc. Do vậy, năm 2012 JICA đã triển khai dự án “Nâng cao năng lực Trường Đại học Tây Bắc góp phần phát triển bền vững nông thôn khu vực Tây Bắc” tại Trường Đại học Tây Bắc từ năm 2012 -2015. Dư án triển khai 3 nội dung chính là: Nâng cao chất lượng Giáo dục, nâng cao năng lực Nghiên cứu và Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân thông qua 11 nghiên cứu. Kết thúc dự án này, chúng tôi nhận thấy hoạt động chuyển giao cần có nhiều thời gian hơn để triển khai vì vậy tổ chức IFPaT phối hợp với Trường Đại học Tây Bắc đã xây dựng Dự án “Cải thiện thu nhập của người nông dân thông qua tái thiết nông nghiệp tổng hợp khu vực đồi núi”.

Toàn cảnh đại biểu tham dự hội thảo

     TS. Đoàn Đức Lân giới thiệu chi tiết nội dung các hoạt động của dự án, với 2 năm triển khai từ tháng 3/2016 – 3/2018, tại hai địa điểm là: Bản Thẳm – phường Chiềng Sinh – thành phố Sơn La – tỉnh Sơn La và Bản Tây Hưng – xã Muổi Nọi – huyện Thuận Châu – tỉnh Sơn La. Dự án gồm 4 hoạt động chính là: Sản xuất rau an toàn, làm phân ủ từ phế thải nông nghiệp, xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

     Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến thảo luận, góp ý của lãnh đạo các đơn vị, địa phương về nội dung triển khai, phương pháp tiến hành tại địa phương. Các ý kiến đều cho biết cách thức triển khai Dự án là quan trọng vì nó sẽ quyết định sự bền vững của Dự án, bởi có rất nhiều dự án triển khai rất tốt nhưng sau khi kết thúc thì người dân cũng không tiếp tục thực hiện bởi thiếu sự hỗ trợ. Năng lực của người dân được nâng cao là một yếu tố quan trọng để mang lại sự thành công của dự án.

     Kết luận hội thảo, TS. Nguyễn Văn Bao đã khẳng định sự thành công của hội thảo khi đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận góp ý và các báo cáo từ đó thấy được bức tranh tổng thể của Dự án trong 2 năm. Dự án sẽ thành công bởi nó đáp ứng nhu cầu của người dân Sơn La nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung. Trường Đại học Tây Bắc cam kết sẽ là đối tác tin cây, phối hợp chặt chẽ với các bên triển khai hiệu quả Dự án. Các giảng viên và sinh viên tham gia Dự án cần chủ động, sáng tạo, nghiêm túc, có tinh thần cầu thị và ham học hỏi từ các chuyên gia trong và ngoài nước. Dự án sẽ là mô hình tốt để nhân rộng ra toàn vùng Tây Bắc, sẽ là cầu nối để mở ra những hợp tác trong tương lai giữa Trường Đại học Tây Bắc và tổ chức IFPaT, giữa tỉnh Sơn La và Thành phố Kasama.